Giáo sư, Dịch giả Thái Kim Lan vừa cho ra mắt tập tản văn “ Mai rồi mưa tạnh trong xuân” tại Huế.
Tập tản văn “Mai rồi mưa tạnh trong xuân” do Nhà xuất bản Kim Đổng ấn hành, dày hơn 300 trang với 45 bài viết “tiểu tự sự”. Những câu chuyện tuổi thơ về Bà, về Mạ, về Chị, về những bạn học trường nữ sinh Đồng Khánh, trong những dịp Lễ Vu Lan, ngày Phật đản, Tết Nguyên đán… hiển hiện tươi rói trong kí ức của tác giả, đưa người đọc trở về với những cảnh cũ người xưa “rặt Huế”. Tác giả đã mang đến cho người đọc có cơ hội chạm được tính linh của ngôn ngữ, và vẻ đẹp riêng biệt của ký ức, vùng văn hóa, trải nghiệm lịch đại, khế hợp với những giấc mơ hoài cố lung linh, mơ mộng.
Tập tản văn " Mai rồi mưa tạnh trong xuân" của dịch giả Thái Kim Lan |
Trong “Mai rồi mưa tạnh trong xuân”, Dịch giả Thái Kim Lan tâm sự: “ Giọt mưa bụi thinh không, bóng lá trong chung trà sớm, cọng hoa cỏ bên đường, giọt nắng bên thềm, gió quái buổi chiều, trai mận, cành mai, cơn mưa, tuyết lạnh, bóng núi, triền sông, tăng sao lộng gió, sương mù chơi vơi, hương mộc nhòe hương cau, dáng bà gầy guộc nơi khung cửa, tiếng thở dài của mẹ và có cả một “ Mùa xuân bên ấy”, có cả những chuyến đi về cồng kềnh nỗi nhớ bên này bên kia, có cả những cuộc “ hành trình ăn tết” nặng trĩu hành trang một đời người, có cả nổi mong mưa tràn vũ trụ đông tây, có cả dòng sông lặng thinh muôn thuở và có luôn cả trự tiền bạc giả, và hột nổ vu vơ, lồng đèn trái ú, khóm gai dại trên đường, bụi cuốn vòng xe đạp – ngổn ngang trăm thứ mà tất cả những thứ ấy đều là những mẫu chuyện còn mãi kể, những tiểu tự sự kể về mình…”
Nhà văn Lê Vũ Trường Giang chia sẻ về tập sách của nhà văn Thái Kim Lan |
Nhà văn Lê Vũ Trường Giang chia sẻ: “Tác giả Thái Kim Lan là một người mang nặng tâm trạng hoài cố, chan chứa yêu thương với những tình thân dĩ vãng, lượm từng mảnh vỡ văn hóa để dựng xây một viễn ảnh cao đẹp trên từng trang viết “Mai rồi mưa tạnh trong xuân”. Một tập tản văn tròn đầy những biểu trưng tinh thần của Triết học Tây phương, các pháp của Phật giáo, là trạng thái dập dìu của sự xê dịch và trở về, hiện tại và quá khứ, cái đang còn và cái đã mất, yêu thương và chia sẻ”.