Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Giới thiệu tập thơ “Quê mẹ” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu (4/10/1920 - 4/10/2020)
10:30 | 23/09/2020

Sáng ngày 23/9, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế đã tổ chức chương trình giới thiệu tập thơ “Quê mẹ” của nhà thơ Tố Hữu do Liên hiệp Các Hội VHNT Thừa Thiên Huế ấn hành. Chương trình nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu (4/10/1920 - 4/10/2020).

 

Giới thiệu tập thơ “Quê mẹ” nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu (4/10/1920 - 4/10/2020)

Tham dự chương trình có Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ chính Trị,  nguyên Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương,  Ông Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế cùng đông đảo văn nghệ sĩ tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tập thơ  “Quê mẹ” bao gồm những bài thơ nhà thơ Tố Hữu viết ở Huế, viết về Huế, hoặc có nhắc đến quê hương Thừa Thiên Huế như: Tiếng hát Sông Hương, Về quê, Huế tháng tám, Quê mẹ, Huế lại huy hoàng... Tập thơ như là tấm lòng của văn nghệ sỹ Thừa Thiên Huế hôm nay dành tri ân, tôn vinh nhà thơ Tố Hữu nhân 100 năm ngày sinh của ông.

Đại diện lãnh đạo tỉnh cùng đông đảo văn nghệ sĩ đến tham dự


Nhà thơ Tố Hữu - người chiến sỹ cộng sản kiên cường, nhà hoạt động chính trị xuất sắc, nhà thơ lớn - đã trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam. Tố Hữu là biểu tượng rực rỡ của sự kết hợp đẹp đẽ giữa lý tưởng và sự nghiệp, cách mạng và thi ca. Ông được xem là người có công khai sáng và dẫn dắt nền thi ca và văn học cách mạng Việt Nam. Với tài thơ thiên bẩm, ông mở ra một trường phái thơ mới – thơ cách mạng, mà trong đó, nghệ thuật hiện đại đã kết hợp một cách nhuần nhị, tinh tế với truyền thống thơ dân tộc. Thơ Tố Hữu đã trở thành một biểu tượng của thi ca cách mạng, là ngôi sao sáng nhất và dẫn đầu nền văn học cách mạng Việt Nam.

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế  phát biểu tại chương trình


Trong cuộc đời sáng tác, Nhà thơ Tố Hữu đã để lại cho đời rất nhiều những tác phẩm có giá trị như các tập thơ: “Từ ấy” (1946), “Việt Bắc” (1954), “Gió lộng” (1961), “Ra trận” (1962 - 1971), “Máu và hoa” (1977), “Một tiếng đờn” (1992), “Ta với ta” (1999); các tiểu luận “Xây dựng một nền văn nghệ lớn xứng đáng với nhân dân ta, thời đại ta” (tiểu luận, 1973), “Cuộc sống cách mạng và văn học nghệ thuật” (tiểu luận, 1981).

Nhà thơ Mai Văn Hoan chia sẻ về " Ngôn ngữ thơ Tố Hữu" tại chương trình


Nhà thơ Tố Hữu sinh ra nơi miền quê ven sông Bồ, làng Phù Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ nhỏ ông được tắm gội trong lời ru của mẹ, thừa hưởng vốn ca dao, dân ca xứ Huế với bao làn điệu mái nhì, mái đẩy, câu Nam ai, Nam bình… Từ Huế, ông làm thơ cho mọi nhà, mọi người, mang âm hưởng hồn cốt văn hóa Huế, nhịp điệu Huế, ngôn ngữ Huế… Từ thế giới âm điệu bay bổng của Thơ Mới và bình dị dìu dặt của ca dao dân ca, niềm hưng phấn lên đường đầy lý tưởng đã vang vọng, hòa quyện tạo nên tiếng thơ Tố Hữu khởi sáng lúc bấy giờ. 

Nhà văn Phạm Xuân Phụng với tham luận Tiếng Huế trong thơ Tố Hữu


Quê hương Thừa Thiên Huế chính là nơi khởi nguồn bồi đắp lý tưởng, bầu nhiệt huyết cách mạng, bầu khí quyển thi ca của nhà thơ Tố Hữu. Tình cảm của nhà thơ đối với quê hương thật đậm đà da diết. Từ những ngày đầu đến với cách mạng rồi sớm xuất hiện trên văn đàn, những bài thơ ban đầu của Tố Hữu đều được bắt đầu từ Huế. “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim” là những vần thơ có sức mạnh như một nguồn năng lượng tinh thần vô giá với hàng triệu con tim. Thơ Tố Hữu có sức lan tỏa rất lớn và cũng mang đậm hồn thơ xứ Huế.

Nhà văn Dương Phước Thu chia sẻ về sự nghiệp làm báo của nhà thơ Tố Hữu


Tố Hữu là một người con quê hương Thừa Thiên Huế tiêu biểu, một trong những ngọn đuốc trên đỉnh Ngự soi sáng dòng Hương. Quê hương Thừa Thiên Huế tự hào đã sinh ra ông, bên cạnh những tên tuổi chói ngời khác của Thừa Thiên Huế. Tên nhà thơ Tố Hữu được đặt tên đường, tên trường ở thành phố Huế, các huyện Quảng Điền, các thị xã Hương Trà, Hương Thủy… Một không gian thi ca Tố Hữu được xây dựng ở Quảng Điền, ngay bên dòng sông Bồ xanh trong mà nhà thơ Tố Hữu thường nhắc đến trong thơ ông.

 

 

Phương Anh

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng