Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Hội thảo " Văn hoá Huế: nhận diện giá trị bản sắc và hướng phát triển".
17:17 | 03/10/2020

Sáng ngày 3/10, Liên hiệp các hội VHNT Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội thảo " Văn hoá Huế: nhận diện giá trị bản sắc và hướng phát triển".

Hội thảo " Văn hoá Huế: nhận diện giá trị bản sắc và hướng phát triển".
Phó chủ tịch UBND tỉnh TT Huế Phan Thiên Định phát biểu tại Hội thảo

Tham dự Hội thảo có Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm – Nguyên Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định, Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Phương cùng lãnh đạo các Sở, ban ngành và các nhà văn hoá Huế.

Hội thảo đã nhận được hơn 40 tham luận của các nhà khoa học, nhà văn hóa Huế và nghiên cứu lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh. Hội thảo đã đề cập nhiều khía cạnh nội dung như: Nhận diện bản sắc văn hoá Huế, thuận lợi và khó khăn trong định hướng phát triển đô thị di sản hiện nay, vai trò của người Huế trong việc xây dựng và phát triển văn hoá Huế. 

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại Hội thảo


Tại Hội Thảo, Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh: Suốt hành trình hơn 700 năm hình thành và phát triển, Thuận hoá - Phú xuân Thừa Thiên Huế là vùng đất đảm đương sứ mệnh bàn đạo mở cõi, trọng trấn biên viễn phương nam rồi kinh đô cả nước thời Tây Sơn, thời Nguyễn, cố đô chưa bao nhiêu điều giá trị lịch sử và văn hoá độc đáo, đặc trưng của cả quốc gia dân tộc.

Với tinh thần hội tụ và lan toả suốt chiều dài lịch sử, văn hoá Huế đã được định hình rõ nét với nhiều giá trị bản sắc cốt lõi, đặc trưng đặc biệt đã được giữ gìn, trao truyền hàng trăm năm qua. Các cuộc tiếp biến văn hóa từ Ô Lý đến Thủ phủ Đàng trong đến giao thoa văn hoá Việt Pháp đã để lại cho Huế một gia tài khổng lồ các giá trị văn hoá, việc nhận diện bản sắc văn hóa từ đó xác định các vấn đề then chốt trong định hướng chiến lược của tỉnh Thừa Thiên Huế trong tiến trình xây dựng đô thị di sản trực thuộc Trung ương là hết sức cần thiết.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm tại Hội thảo


Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã nhắc lại ba cuộc tiếp biến văn hoa lịch sử quan trọng từ Ô lý đến thủ phủ Đàng trong và giao thoa văn hóa phương Tây là những di sản văn hóa chính trị có ý nghĩa quốc gia cho thấy nhữn gì Huế đã có mặt, đã làm nên và còn đóng góp cho tương lai.

Nhà thơ còn nhấn mạnh: “Huế là thành phố di sản còn lưu giữ khá đậm các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và văn hóa tinh thần. Huế đã có thành tích và kinh nghiệm trong bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tuy nhiên phần "di sản tinh thần" được nuôi dưỡng và bảo lưu trong mỗi con người Huế chưa được đánh giá, bảo vệ và phát huy đầy đủ...Khi bàn về đời sống không chỉ chú trọng đến việc nâng cao thu nhập, hoàn thành cơ sở hạ tầng mà còn phải sớm có giải pháp vun đắp các giá trị nhân bản, phẩm chất con người, hướng con người đến giá trị chân thiện mỹ.

Nhà văn Thái Kim Lan phát biểu tại hội thảo


Nhà văn Thái Kim Lan chia sẻ: Nhận diện bản sắc văn hóa Huế nằm trong hai chữ Huế “đẹp và thơ”. Đó là tính cách của Huế, là bản sắc và ý nghĩa của văn hóa đến từ giá trị vật chất và tinh thần. Văn hóa luôn luôn đóng vai trò trong sự phát triển Thừa Thiên Huế, những tri thức, kỹ thuật phải được cân bằng với tinh thần, vẻ đẹp của văn hóa của Huế.

Theo Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế: Thừa Thiên - Huế đã đưa ra các giải pháp cho việc bảo tồn và phát triển văn hóa trong thời gian tới. Theo ông Hải, để bảo tồn và phát triển bền vững di sản văn hóa Huế, địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục Luật Di sản văn hóa và Nghị định của Chính phủ về bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa; xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa của tỉnh; tập trung nguồn lực để trùng tu, bảo tồn một số công trình kiến trúc trọng điểm trong Quần thể di tích Cố đô Huế; kiểm kê, sưu tầm số hóa, lập hồ sơ khoa học cho hệ thống di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu; phát huy giá trị các lễ hội để xây dựng thành sản phẩm du lịch có tính đặc trừng của vùng đất; mở rộng mô hình xã hội hóa trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Toàn cảnh Hội thảo


Về việc hiện thực hóa bảo tồn và phát triển di sản văn hóa theo định hướng Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, Tiến sĩ Trần Đình Hằng - Phân Viện Trưởng Phân Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế nhấn mạnh:  Suốt thời gian dài Huế là thủ phủ vùng miền kinh đô của cả nước, vai trò, sứ mệnh, tính chất trung tâm đã kiến tạo, hội tụ tại Huế nhiều di sản tinh hoa độc đáo. Di sản đặc biệt quý giá đó cần được trân trọng nâng niu, cụ thể hóa bởi những quan niệm, nhận thức, chiến lược bảo tồn và phát triển hữu hiệu, đảm bảo tính liên tục, biện chứng của quá trình phát triển, theo đúng tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị - có thể coi là cơ hội vàng cho Huế trong giai đoạn hiện nay. Theo quan điểm của Tiền sĩ Trần Đình Hằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa càng cần nhấn mạnh đến yếu tố khác biệt. Nét riêng đặc trung là chất nền căn bản để xây dựng chiến lược di biệt hóa sản phẩm, tạo ra những giá trị độc đáo. Di sản văn hóa đặc trưng cần được quy hoác thành hệ thống điểm đến, không gian đặc thù cho du khách. Từ đó quy tụ, kích thích người dân, người thợ, người bảo tồn, chuyển hóa di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch. Đồng thời, quá trình tập trung phục hồi di sản văn hóa truyền thống như các ngành nghề thủ công cung đìnhquý hiếm, còn mở ra tương lai cho ngành nghiên cứu, phục chế cổ vật, trùng tu di sản văn hóa vốn xã hội có nhu cầu rất lớn. Hơn bất cứ đâu, di tích và di sản văn hóa Huế phải là một điểm thực hành mẫu mực cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống dân tộc.

 

 

 

Phương Anh

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng