Sáng ngày 28/10, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Huế trong xây dựng thương hiệu nhà rường Huế”.
Hội thảo nhằm hướng đến mục tiêu tiếp tục phát huy, khai thác giá trị văn hóa đối với nhà rường Huế, đưa nhà rường Huế trở thành biểu tượng của vùng đất Cố đô Huế, bảo tồn và xây dựng thương hiệu nhà rường Huế gắn với sản phẩm du lịch đặc trưng nổi tiếng của vùng đất cố đô Huế. Hội thảo cũng hướng đến đề xuất một số giải pháp phát triển thương hiệu nhà rường Huế thông qua các cơ hội đầu tư phát triển du lịch, kinh doanh nhà rường Huế, đề xuất thêm những chính sách, giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ để bảo tồn và khai thác giá trị văn hóa nhà rường Huế.
Hội thảo đã nhận được 12 tham luận bàn về thực trạng nhà rường Huế hiện nay, chiến lược bảo tồn, phát triển sản phẩm du lịch nhà rường, nhận diện giải pháp phát triển thương hiệu, việc khai thác các giá trị văn hóa, phát triển kinh tế với thương hiệu nhà rường Huế…
TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa Thế Thao trình bày tham luận tại Hội thảo |
Nhà Rường Huế là một công trình độc đáo mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử, vừa mang nét cổ kính, nhưng vừa mang đến cảm giác thư thái, bình yên. Chính vẻ đẹp đơn sơ và giản dị này đã hấp dẫn rất nhiều người. Xác định tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy giá trị thương hiệu nhà Rường Huế, cũng như nhìn thấy thực trạng, những vấn đề cấp bách đặt ra đối với việc bảo vệ hệ thống nhà Rường- nhằm gìn giữ nét văn hóa đặc trưng của vùng đất Cố đô, thời gian qua tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều hoạt động, dự án được triển khai, với mục đích nỗ lực trùng tu, phục hồi nhà Rường Huế, trong đó có thể kể đến đó là Đề án “Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng” giai đoạn 2015 – 2020, theo đó các hệ thống nhà vườn trên các địa bàn tỉnh TT Huế đã được hỗ trợ trùng tu tôn tạo với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng.
Tuy nhiên vẫn còn tồn tại những khó khăn nhất định, dưới những tác động của thời gian, thiên tai cùng với nhiều biến cố lịch sử và cơ chế thị trường một số lượng lớn nhà rường Huế bị xuống cấp, biến dạng và bê tông hóa; Thị trường tiêu thụ sản phẩm nhà rường còn hạn chế, năng lực cạnh tranh của sản phẩm còn thấp, chất lượng sản phẩm vẫn chưa đồng đều; Các nghệ nhân, lao động lành nghề để làm nhà rường Huế ngày càng mai một; Nguồn nguyên liệu cho sản xuất nhà rường như mít, các loại gỗ quý ngày càng khan hiếm dẫn đến giá cả đầu vào ngày càng tăng, tạo áp lực cạnh tranh cho sản phẩm làng nghề truyền thống…
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu đã tập trung thảo luận, đề xuất những giải pháp để có thể tiếp tục phát huy giá trị truyền thống văn hóa của một sản phẩm đặc trưng của tỉnh, vừa hiến kế cho chính quyền địa phương xây dựng và phát triển một thương hiệu nhà rường Huế trở thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ nổi tiếng vừa là sản phẩm du lịch đặc sắc trong xu hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Phương Anh