Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Trao giải thưởng Cố đô về Khoa học và Công nghệ lần thứ IV năm 2021
14:38 | 30/12/2021

Sáng 30/12, UBND tỉnh tổ chức Lễ Trao giải thưởng Cố đô về Khoa học và Công nghệ lần thứ IV năm 2021. Đến dự có ông Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và ông Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo các sở ban ngành và các tác giả đạt giải.

 

Trao giải thưởng Cố đô về Khoa học và Công nghệ lần thứ IV năm 2021
Ông Lê Trường Lưu - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế, GS.TS. Trần Hữu Dàng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế trao tặng Giải thưởng cho công trình đạt giải

Giải thưởng Cố đô về khoa học và công nghệ được tổ chức 5 năm một lần, là giải thưởng của UBND tỉnh nhằm khích lệ và tôn vinh các nhà khoa học có vai trò chính trong các công trình khoa học xuất sắc được thực hiện tại Thừa Thiên - Huế.

Giải thưởng Cố đô về KH&CN năm nay được trao cho 14 công trình, cụm công trình xuất sắc nhất thuộc các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên, khoa học nông - lâm - ngư nghiệp; khoa học xã hội và nhân văn; khoa học y dược.

Ban Tổ chức cho biết, giải thưởng năm nay được đông đảo chuyên gia, nhà khoa học đăng ký tham gia xét tặng với 40 hồ sơ đăng ký, cao nhất từ trước đến nay. Đạt giải đều là những công trình xuất sắc, không chỉ có giá trị về khoa học mà còn có giá trị thực tiễn đối với Thừa Thiên-Huế nói riêng và cả nước nói chung.

Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, bà Nguyễn Thị Ái Vân - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế trao tặng giải thưởng cho công trình đạt giải


Trong đó, nổi bật như công trình “Ghép tạng tại Bệnh viện Trung ương Huế” (gồm 9 công trình) của GS.TS Phạm Như Hiệp và các cộng sự, công trình “Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế”, "Nghiên cứu giải pháp phát triển bền vững nghề và làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế", "Ứng dụng công nghệ sinh học trong khai thác và phát triển các cây trồng có giá trị kinh tế ở Thừa Thiên Huế", "AIQuant-Hệ thống trí tuệ nhân tạo AI hỗ trợ ra quyết định trong lĩnh vực tài chính", "Nghiên cứu di sản địa chất làm cơ sở khoa học để thành lập công viên địa chất toàn cầu ở khu vực Tam Giang-Bạch Mã"…

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương biểu dương và đánh giá cao sự nổ lực và sáng tạo của các tác giả, các nhà khoa học.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Thừa Thiên-Huế đang nỗ lực xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học - công nghệ gắn với trung tâm giáo dục - đào tạo và y tế chuyên sâu. Để thực hiện thành công mục tiêu này, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đề nghị các Sở, ban, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức, đội ngũ lao động, sáng tạo; phát hiện, bồi dưỡng, khen thưởng, trọng dụng tài năng trong mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế. Đồng thời, đội ngũ trí thức khoa học công nghệ của tỉnh thi đua nghiên cứu, sáng tạo cống hiến tài năng, trí tuệ tập trung vào các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh để biến các sản phẩm chủ lực, sản phẩm truyền thống của Thừa Thiên-Huế trở thành sản phẩm chất lượng, có giá trị thương mại cao.

 

 

 

Phương Anh

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng