Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Gặp mặt thân mật cộng tác viên Tạp chí Sông Hương tại đất Hà thành
15:51 | 06/08/2009
Ngày 25/7, tại 197 đường Âu Cơ, Ban biên tập Tạp chí Sông Hương đã tổ chức buổi gặp mặt thân mật cộng tác viên tại Hà Nội.
Gặp mặt thân mật cộng tác viên Tạp chí Sông Hương tại đất Hà thành

Ban biên tập Tạp chí Sông Hương có nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc- Phó Tổng biên tập Phụ trách Tạp chí Sông Hương, nhà văn Nhụy Nguyên, nhà văn Hoàng Việt Hùng, phó giáo sư- tiến sĩ Bửu Nam, nhà thơ Lê Vĩnh Thái. Đặc biệt với sự có mặt của nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch- nguyên Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương.

Cuộc hội ngộ tại đất Hà thành diễn ra trong không khí ấm cúng. Mặt dù ngoài trời mưa rất to, nhưng các văn nghệ sỹ của đất Hà thành đã đến đông đủ, đó là những tên tuổi hàng đầu văn đàn Việt Nam như các giáo sư Trần Đình Sử, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Văn Hạnh, Phong Lê, Đỗ Lai Thuý, Đào Duy Hiệp, Lại Nguyên Ân, Phạm Xuân Nguyên; các nhà văn, nhà thơ Hoàng Cát, Trần Quang Đạo, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Huy Thiệp, Hoàng Minh Tường, Trần Nhương, Trần Phương Trà, Minh Chuyên, Lê Huy Quang, Bảo Sinh, Phan Huyền Thư và nhiều bạn trẻ khác.

Tại buổi gặp mặt, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc- Phó Tổng biên tập Phụ trách Tạp chí Sông Hương đã cảm ơn sự cộng tác của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu tại Hà Nội. Sự cộng tác có phần ưu ái này đã góp phần làm nên diện mạo Tạp chí Sông Hương trong nhiều năm qua.

Tại buổi gặp mặt, giáo sư Trần Đình Sử phát biểu: “ Tôi là cộng tác viên của Tạp chí Sông Hương lâu năm, tôi thường xuyên theo dõi và đọc tạp chí, tôi rất yêu quý Sông Hương và mong có nhiều dịp để cộng tác với tạp chí... Tôi thấy tạp chí nội dung rất phong phú, đặc biệt thời gian gần đây tạp chí rất quan tâm giới thiệu nhiều thế hệ nhà văn mới, nhà văn trẻ. Về mảng phê bình của Tạp chí Sông Hương, tôi thấy độc đáo lâu nay, thu hút được nhiều đóng góp của các cây bút có tiếng tăm...”

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân: " Tạp chí Sông Hương là một trong những tạp chí có vai trò rất xuất sắc, đặc biệt trong thời đầu đổi mới, những bài báo nêu vấn đề về văn học, đời sống xã hội mang tính chất cấp thiết nhất của nhiều người, trong đó có cả tôi nữa. Trong khi các tờ báo nơi khác từ chối đăng thì Sông Hương đã đăng và đã gây được tiếng vang rất là tốt cho tiến trình của tư tưởng và văn hoá thời đó. Cho đến bây giờ, nghĩ lại tôi vẫn biết ơn, đồng thời đánh giá rất cao đóng góp của Tạp chí Sông Hương...”

Nhà Nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên: “ Sông Hương đã qua tuổi 25, đã tồn tại hơn 1/4 thế kỷ, trong thời gian ấy Sông Hương đã trở nên một văn hiệu, trở thành dấu chỉ của văn chương không chỉ của vùng đất Cố đô Huế... mà còn của cả nước, nó cũng góp phần là một địa chỉ văn hoá cho những người Việt Nam ở nước ngoài. Đấy là một di sản, một gia tài của Sông Hương trong hơn 25 năm qua. Làm được thế, trước hết là nhờ sự nỗ lực, công lao của tập thể những người làm Sông Hương, từ Tổng biên tập là nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cho đến Phó Tổng biên tập Phụ trách thứ bảy này, người trẻ nhất trong các Tổng biên tập, nhà thơ, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc... đã có một dòng chảy tiếp nối. Nhiệm vụ, trọng trách, sứ mệnh của Sông Hương hiện tại là duy trì và phát triển được truyền thống đó trong hoàn cảnh mới, trong thời vận mới của Thừa Thiên Huế, của đất nước... Đứng về phía chúng tôi là những người viết, những người cộng tác, chúng tôi cố gắng giúp cho Sông Hương có được những bài vở mà chúng tôi cảm thấy vui. Khi có bài trên Sông Hương, chúng tôi cũng được rất rộng rãi người đọc biết đến vì họ đọc Sông Hương...”    

Nhà thơ Hoàng Cát: “Tạp chí Sông Hương đã làm được điều mình cần phải làm. Với tư cách là người cộng tác viên, một người bạn rất yêu thương, tôi lặng lẽ đọc  Tạp chí Sông Hương như lặng lẽ tâm sự với một người bạn...”

C
ác cộng tác viên khác đã chúc cho Tạp chí Sông Hương luôn luôn giữ bản lĩnh một tờ tạp chí văn học của vùng đất Cố đô Huế và của cả nước.

PV



Các bài mới
Các bài đã đăng