Sáng 15/3, tại ngôi nhà thờ họ Đặng thuộc làng Thanh Lương, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với Hội Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế, long trọng tổ chức Lễ Dâng hương tưởng niệm Danh nhân Văn hóa Đặng Huy Trứ - ông tổ của nghề nhiếp ảnh Việt Nam.
Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 153 năm ngày cho ra mắt hiệu ảnh đầu tiên ở Việt Nam (14/3/1869 – 14/3/2022), 69 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953 – 15/3/2022).
Ngày 14/3/1869, Ngài Đặng Huy Trứ đã cho du nhập thiết bị ngành ảnh từ Hương Cảng trong một lần đi sứ tại Quảng Đông, Trung Quốc về nước mở hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường tại phố Thanh Hà, Hà Nội. Đây được xem là hiệu ảnh đầu tiên của Việt Nam, mở ra trang sử đầu tiên cho sự phát triển của ngành nhiếp ảnh hiện đại ngày nay. Khách hàng của tiệm Cảm Hiếu Đường là các gia đình giàu có ở Hà Nội và các tỉnh lân cận; đặc biệt, những vị quan lại ở Huế cũng là khách hàng quen thuộc của tiệm mỗi khi có dịp đi công cán.
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các nghệ sĩ Nhiếp ảnh chụp hình lưu niệm bên tượng cụ Đặng Huy Trứ |
Ông Đặng Huy Trứ là người tự thao tác mọi công đoạn từ chụp, rửa ảnh,... Cho đến hiện nay, các tấm ảnh do ông chụp vẫn còn lưu giữ ở bảo tàng tại Pháp. Có thể nói, sự đóng góp to lớn của cụ Đặng Huy Trứ mang ý nghĩa khai mở trong lịch sử đối với sự hình thành, phát triển của bộ môn nghệ thuật Nhiếp ảnh.
Nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế, nhờ sự khai nghề của danh nhân Đặng Huy Trứ, nghề nhiếp ảnh đã từng bước phát triển và khẳng định vị thế.
Để ghi nhớ người khai nghề nhiếp ảnh, hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam, nhiều hoạt động dâng hương tưởng niệm, triển lãm... được tổ chức để vinh danh danh nhân Đặng Huy Trứ. Ngôi nhà thờ họ Đặng tại làng Thanh Lương, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà trở thành một địa chỉ quen thuộc với tất cả nghệ sĩ nhiếp ảnh trên cả nước.
Phương Anh