Sáng sớm 16/3 (14/02 âm lịch), tại đàn Xã Tắc (phường Thuận Hòa, TP Huế), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã trang trọng tổ chức Lễ tế Xã Tắc. Buổi lễ diễn ra trang nghiêm theo đúng các nghi lễ truyền thống, tín ngưỡng tâm linh nhằm cầu cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Dự Lễ tế có ông Lê Trường Lưu – UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Văn Phương – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh.
Đàn Xã Tắc được xây dưới thời vua Gia Long vào tháng 4 năm 1806 để tế cúng thần đất (Xã) và thần ngũ cốc (Tắc). Theo quy định của triều Nguyễn, vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu, nhà vua đích thân làm lễ tế Xã Tắc, những năm còn lại các quan đại thần thay nhau thực hiện nghi lễ này.
Lễ tế được dễn ra trang trọng, chu đáo |
Được biết, các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều cử hành Lễ tế Xã Tắc vào mùa xuân hằng năm và lễ tế thuộc hàng Đại tự. Trải qua thời gian cùng các biến động lịch sử, chỉ duy nhất tại Cố đô Huế hiện nay còn bảo tồn được đàn tế Xã Tắc bên trong Kinh thành.
Từ khi được phục dựng vào năm 2008 cho đến nay thì Lễ tế Xã Tắc được thực hiện thường niên vào tháng 2 Âm lịch. Vật phẩm dâng tế có đủ tam sanh (trâu, dê và heo), gạo, bánh tráng, hạt nổ, trái cây, vàng mã áo binh,…
Lễ tế Xã Tắc diễn ra trong vòng một giờ đồng hồ với các nghi tiết: Lễ Quán tẩy (rửa tay tẩy trần), Lễ Thượng hương (dâng hương), Lễ Nghinh thần (rước thần đến dự), Lễ Điện Ngọc bạch (dâng ngọc trắng), Lễ Truyền chúc (đọc chúc văn), Lễ Hiến tước (dâng rượu), Lễ Tứ phúc tộ (hưởng lộc), Triệt soạn (hạ cỗ), Tống thần (đưa tiễn thần) và Tư chúc bạch soạn (đốt chúc văn, ngọc lụa, bài vị).
Được tổ chức tái hiện lần đầu tiên vào năm 2008, từ đó đến nay, Lễ tế Xã Tắc được tổ chức hàng năm, trở thành một nét văn hóa truyền thống độc đáo, mang đậm tính nhân văn của Thừa Thiên Huế.
Sau các nghi lễ, đông đảo người dân đến dâng hương tại đàn Xã Tắc để cầu nguyện quốc thái dân an, mưa gió thuận hòa, cuộc sống hạnh phúc, ấm no...
Nguyên Phương