Sáng 17/4, Bảo tàng gốm cổ sông Hương (địa chỉ số 120 Nguyễn Phúc Nguyên, phường Hương Long, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế) chính thức đi vào hoạt động và mở cửa đón du khách, người dân đến tham quan.
Bảo tàng rộng khoảng 500m2, trưng bày hơn 5000 hiện vật Gốm cổ sông Hương được Giáo sư, Tiến sĩ Thái Kim Lan và anh trai là cố họa sĩ Thái Nguyên Bá sưu tầm trong thời gian dài, bên cạnh đó không gian của bảo tàng còn có những cổ vật của cố nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan, người dành gần như cả cuộc đời để sưu tầm gốm cổ dưới lòng sông Hương.
Giáo sư, Tiến sĩ Thái Kim Lan phát biểu tại buổi khai trương |
Bảo tàng trưng bày các chủng loại vô cùng phong phú như bình, ché, hũ, vò, ấm, bát, bình vôi, nồi, chum… Đây đều là những hiện vật từng gắn bó mật thiết và phản ánh cụ thể về đời sống sinh hoạt của cư dân qua các thời kỳ lịch sử; phản ánh quá trình giao lưu trao đổi giữa các vùng miền của Việt Nam; giữa Huế với các tỉnh, thành ở 3 miền Bắc-Trung-Nam. Tại đây có nhiều sản phẩm độc đáo, phản ánh quá trình giao lưu quốc tế của cư dân Huế với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Trong không gian, các hiện vật được sắp xếp trưng bày phù hợp, theo từng chuỗi câu chuyện về dòng sông Hương.
Các hiện vật được sắp xếp trưng bày phù hợp, theo từng chuỗi câu chuyện về dòng sông Hương (Ảnh: HAK) |
Một góc không gian trưng bày tại Bảo tàng |
Đặc biệt trong ngày mở cửa, không gian chính của bảo tàng trưng bày hơn 100 hiện vật gốm tiêu biểu với chủ đề “Sông Hương - nơi gặp gỡ các nền văn hoá” thuộc 3 thời: thời tiền Sa Huỳnh - Sa Huỳnh (cách ngày nay 3.000 năm - 2.500 năm), thời Champa (thiên niên kỷ 1 đầu Công nguyên), thời Lý - Trần đến thời Nguyễn (thế kỷ XIX - XX).
Bảo tàng Gốm cổ Sông Hương chào đón du khách tham quan (Ảnh: Đăng Tuyên) |
Được biết, trong thời gian tới, bảo tàng sẽ ứng dụng công nghệ 3D và trải nghiệm thực tế ảo để giới thiệu rộng rãi hơn về những hiện vật tiêu biểu và có giá trị của bảo tàng trên website của bảo tàng nhằm tạo điều kiện cho những người yêu thích cổ vật ở xa và chưa thể đến xem tận mắt có thể thưởng ngoạn chúng một cách trực quan qua trưng bày ảo.
Phương Anh