Từ Ô Lâu đến Hải Vân
Triển lãm tranh – Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế qua nghệ thuật ký họa
18:37 | 16/05/2025

Huế - là nơi mang nhiều dấu ấn về văn hóa, lịch sử, nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh. Huế cũng là nơi bắc những nhịp cầu kết nối và lưu giữ các giá trị vật chất và tinh thần hiện hữu, với 8 di sản được UNESCO vinh danh. Để chào mừng 135 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1890 -19/5/2025, tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm tranh về Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế qua nghệ thuật ký họa vào chiều ngày 16/5/2025.

Triển lãm tranh – Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế qua nghệ thuật ký họa
Cắt băng khai mạc triển lãm "Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế qua nghệ thuật ký họa" tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế

Huế còn là nơi được vinh dự ghi dấu một quãng đời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình từ những năm 1895 – 1901 và 1906 -1909. Huế là nơi nuôi dưỡng và in đậm dấu ấn tuổi trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi đọng lại những tình cảm sâu nặng, những ký ức nguyên vẹn thuở thiếu thời, là nơi hình thành nên một con người vĩ đại với tư tưởng và lòng yêu nước thương dân, như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận định: “Thời gian ở Huế là thời gian Nguyễn Tất Thành lớn lên và bắt đầu đi học. Những năm tháng đó là thời gian rất quan trọng đối với sự hình thành nên con người Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh”.

Bà Đinh Thị Hoài Trai - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Huế phát biểu khai mạc triển lãm

Với những kết nối và mong muốn được bảo tồn, tôn vinh, quảng bá, phát huy giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế, để chuẩn bị chào mừng kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật Huế đã tổ chức chương trình sáng tác với thể loại ký họa trực tiếp về các di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Huế trước đó (tháng 3/2025) ở các địa điểm - di tích có dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình của Người.

Một số di tích đặc biệt đã được nhà nước cấp bằng công nhận là di tích quốc gia: Nhà lưu niệm Bác Hồ tại 158 Mai Thúc Loan (nơi ở của gia đình Người trong thời gian từ 1895 - 1901); Nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ (nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng cha và anh trai sinh sống học tập từ 1898-1900); Đình làng Dương Nỗ (nơi ghi dấu tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian sinh sống ở làng Dương Nỗ) và Trường Quốc Học Huế (nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã học từ 1908 đến 1909).

Có 35 tác phẩm ký họa của các thành viên Nhóm Ký họa đô thị Hà Nội và họa sĩ Huế sáng tác được giới thiệu tại triển lãm. Các tác phẩm chủ yếu là tranh ký họa bằng màu nước và bút sắt trên giấy về những địa danh, ngôi nhà gắn bó cùng gia đình trong 10 năm sinh sống, học tập và trưởng thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Huế.

Một số tác phẩm đã để lại ấn tượng và những rung cảm cho người xem tranh khi thông qua nghệ thuật ký họa, các họa sĩ đến từ Hà Nội, Huế đã thực sự tái hiện được những hình ảnh đẹp của Trường Quốc học, và những dấu ấn từ những di sản vật chất tinh thần ở làng Dương Nỗ, đồng thời kết nối được tình yêu với Huế, với Bác Hồ kính yêu.

Với thông điệp "chung tay giữ gìn và phát huy di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh", triển lãm “Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nghệ thuật Ký họa” tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế, 15 Lê Lợi – Tp. Huế sẽ diễn ra từ ngày 16/5 – 20/5/2025.

Một số tác phẩm ký họa màu nước, bút sắt tại không gian triển lãm của Bảo tàng Mỹ thuật Huế:

Nhà Bác Hồ ở làng Dương Nỗ - ký họa màu nước - Họa sĩ Đặng Trường Giang

Cây thị ở đình làng Dương Nỗ - ký họa bút sắt - Họa sĩ Lê Văn Nhường

Hiện vật tại nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ký họa màu nước - Nguyễn Quỳnh Trang

Cổng nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh 158 Mai Thúc Loan - Màu nước - Họa sĩ Đinh Thế Anh

Trường Quốc Học Huế - ký họa bút sắt - Họa sĩ Đinh Thế Việt

Trường Quốc Học Huế - Ký họa bút sắt, màu nước - Họa sĩ Nguyễn Hoàng Lâm

 

 

 

 

Băng Khuê

 

 

 

 

 

Các bài đã đăng