Đoàn của Hội Liên hiệp VHNT Thừa Thiên Huế ở xa nhất, song đã có mặt kịp thời dự Đêm Thơ Nhạc về Bác Hồ vào tối 13/4, tại đây các nghệ sỹ diễn ngâm, các nhà thơ, nhạc sỹ Phú Thọ đã trình bày các tác phẩm mới của mình viết về Bác Hồ kính yêu.
Sáng ngày 14/4, đoàn đã tham dự Khai mạc Triển lãm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh “ Các vùng kinh đô xưa và nay” và “Tranh thờ dân gian Việt Nam”. Phòng triển lãm với sự góp mặt của các họa sỹ, nghệ sỹ nhiếp ảnh của tỉnh Phú Thọ, Ninh Bình, Hà Nội, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Với 23 tác phẩm mỹ thuật và 30 tác phẩm nhiếp ảnh của 13 họa sỹ và 12 nghệ sỹ nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế tại triển lãm, các họa sỹ, nghệ sỹ nhiếp ảnh đã gửi đến triển lãm một phong cách riêng, một tiếng nói riêng của Cố đô Huế. Sau đó đoàn đã tham dự Lễ khánh thành Bảo tàng Hùng Vương và Khai mạc trưng bày các hiện vật thời đại Hùng Vương.
Trong buổi chiều cùng ngày đoàn đã tham dự và “Hội thảo nâng cao chất lượng báo chí văn nghệ của Hội VHNT các vùng kinh đô xưa và nay” do Hội VHNT Phú Thọ đã tổ chức, gồm Báo Người Hà Nội (Hà Nội), Tạp chí Xứ Thanh (Thanh Hóa), Tạp chí Sông Hương (Thừa Thiên Huế), Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình (Ninh Bình), Tạp chí Văn nghệ Đất Tổ (Phú Thọ).
Họa sỹ Đỗ Xuân Thu - Phó Chủ tịch Hội VHNT Phú Thọ, Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Đất Tổ đề dẫn cuộc hội thảo: “Là những vùng đất văn hiến, các vùng kinh đô xưa và nay tự hào là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của các thời đại, cũng là nơi hoạt động báo chí, trong đó có báo chí văn nghệ rất sôi động và phong phú”. Họa sĩ Đỗ Xuân Thu đề cao sức lan tỏa nhưng nhấn mạnh việc cần giữ bản sắc văn hóa của vùng đất mỗi tạp chí.
Tại đây, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc- Phó Tổng biên tập Phụ trách Tạp chí Sông Hương vui mừng thông tin về Cuộc thi truyện ngắn dành cho sinh viên Huế đang đi vào giai đoạn cuối, nhiều truyện ngắn hay là của tác giả ở Huế; cuộc thi nằm trong “nỗ lực cách tân sáng tạo nghệ thuật trên hành trình hướng về cái đẹp”. Cạnh đó Sông Hương cùng với Văn Nghệ Quân Đội đang phối hợp tổ chức Cuộc thi Thơ lục bát 2010, nhận được sự hưởng ứng rộng rãi khắp đất nước. Trong năm 2009, tạp chí có chuyên mục giới thiệu Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế, phần thơ, văn xuôi, nghiên cứu đều chất lượng. Nhiều tác giả ở mọi lĩnh vực không thuộc hội trung ương cũng góp mặt với nhiều tác phẩm, bài viết tốt, mới mẻ.
Tại hội thảo, Tạp chí Sông Hương được đánh giá là tờ tạp chí vừa giữ vững bản sắc văn hóa của Huế, vừa vượt ra khỏi biên độ là một tờ báo tỉnh, theo nhà văn Cao Văn Định: “Sông Hương thủy chung theo đuổi tiêu chí tối thượng của tờ tạp chí văn hóa nghệ thuật, không bị câu thúc, không lạc sang địa hạt của tờ báo tỉnh. Tạp chí còn dành riêng mục “Huế - dòng chảy văn hóa”, duy trì đều đặn mỗi tháng mỗi số. Những ngôi chùa cổ an trú tâm linh, những món ẩm thực, những điệu hò Huế, nhã nhạc cung đình Huế, kiến trúc Huế, phong thủy Huế... đã làm nên nét đậm đà của văn hóa cố đô, không lẫn lộn trong dòng chảy văn hóa Việt Nam”.
Dịp này, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc đã giới thiệu đến hội thảo Sông Hương số Đặc biệt, đây là ấn phẩm mới của Tạp chí Sông Hương vừa ra mắt vào cuối tháng 3/2010 và Tạp chí Sông Hương sẽ tiếp tục cho ra mắt các số Đặc biệt vào tháng 5 (chào mừng Festival Huế 2010) và tháng 10 (chào mừng Đại lễ nghìn năm Thăng Long-Hà Nội).
Buổi tối cùng ngày, đoàn Hội Liên hiệp VHNT Thừa Thiên Huế dự Khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ VII. Đây là chuyến đi đầy ý nghĩa với Hội Liên hiệp VHNT Thừa Thiên Huế và Tạp chí Sông Hương..
P.V
|