Kinh tế và phát triển
TT- Huế: Bảo tồn di sản gắn với phát triển KTXH
08:16 | 12/08/2013

Sau 20 năm Quần thể di tích Cố đô Huế được vinh danh là Di sản Văn hóa Thế giới, việc bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị văn hoá, làm cho di tích sống, hòa vào cuộc sống của xã hội đương đại, có tác dụng giáo dục và nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, tạo nguồn sinh lợi để bảo tồn di tích, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

TT- Huế: Bảo tồn di sản gắn với phát triển KTXH

Thành quả vượt bậc trong bảo tồn di sản

Ngay sau khi Quần thể di tích Cố đô Huế được vinh danh là Di sản Văn hóa Thế giới, công cuộc bảo tồn di tích Cố đô Huế đã được triển khai và đạt kết quả rất quan trọng, di sản văn hoá Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp, chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững và từng bước hồi sinh diện mạo ban đầu của một Cố đô lịch sử.

Hầu hết các di tích đều được bảo quản cấp thiết, bằng các biện pháp chống dột, chống sập, chống mối mọt, chống cây cỏ xâm thực, gia cố và thay thế các bộ phận bị lão hóa... Nhờ vậy, trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt xảy ra liên tiếp, các di tích vẫn được bảo tồn và kéo dài tuổi thọ.

Với tổng kinh phí đầu tư cho xây dựng cơ bản, tôn tạo cảnh quan từ năm 1996 đến năm 2012 là hơn 600 tỷ đồng, đã trùng tu, phục hồi 132 công trình tiêu biểu như: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, Cung Trường Sanh, hệ thống Trường lang (Tử Cấm Thành), Minh Lâu, Điện Sùng Ân, Hữu Tùng Tự, Bi Đình (lăng Minh Mạng), Điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Điện, (lăng Tự Đức), Thiên Định Cung, Bi Đình (lăng Khải Định), Chùa Thiên Mụ, Cung An Định, các cổng Kinh Thành... Điểm nổi bật là các di tích đã được tu bổ đều đảm bảo các nguyên tắc khoa học về bảo tồn của quốc gia và thỏa mãn các điều luật của Hiến chương, Công ước quốc tế mà Chính phủ ta đã thừa nhận, được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá cao. Tuyệt đối không có tình trạng “Tân cổ giao duyên” trong bảo tồn, trùng tu di tích Cố đô Huế.

Việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể đạt nhiều thành tựu quan trọng, xác định chủ yếu trong phạm vi văn hóa cung đình thời Nguyễn, gồm: Thơ văn Hán Nôm trên di tích, văn bia, thơ Ngự chế được trang trí ở các cung điện, các hoa văn họa tiết trang trí mỹ thuật gắn liền với di tích kiến trúc, lễ nhạc cung đình, múa hát cung đình, lễ hội cung đình, tuồng Ngự, ca Huế... Các loại hình nghệ thuật Cung đình đã thực sự đóng vai trò trọng tâm và chủ lực trong các dịp Festival Văn hóa Huế, trở thành đại diện tiêu biểu của văn hóa Huế trong sự đối thoại, giao lưu với bạn bè quốc tế.

Hiện tại, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã có mối quan hệ hợp tác với hơn 50 tổ chức quốc tế để tiến hành các hoạt động nghiên cứu bảo tồn di sản cả trên lĩnh vực văn hóa vật thể, phi vật thể và cảnh quan môi trường. Trong giai đoạn từ 1993 cho đến nay, vốn tài trợ và hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn 2 loại  hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể từ các cộng động quốc tế ước khoảng gần 6 triệu USD.

Gắn di sản với phát triển du lịch

Khai thác và phát huy giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể Di tích Cố đô Huế, tạo nguồn sinh lợi để bảo tồn di tích, góp phần phát triển kinh tế - xã được xem là giải pháp đáp ứng 2 nhiệm vụ bảo tồn và phát triển.

Chính những thành tựu của công tác bảo tồn mà Di sản văn hóa Huế đã được quảng bá hình ảnh rộng rãi trên toàn thế giới, tạo nên sức hút to lớn của Huế đối với du khách thập phương. Hằng năm có từ 2,0 đến 2,5 triệu lượt khách du lịch đến Thừa Thiên Huế, tăng bình quân 15-17%/năm; doanh thu du lịch tăng bình quân 16,6%/năm, góp phần đưa ngành du lịch dịch vụ của tỉnh phát triển nhanh chóng và thực sự đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thừa Thiên Huế, từ chổ chỉ chiếm 33% GDP của tỉnh năm 1998, đến nay đã vươn lên chiếm 48-49%. Riêng tại khu di tích Huế, doanh thu trực tiếp từ năm 1998 đến năm 2012 đã đạt gần 817,2 tỷ đồng. Chính nguồn thu này đã góp phần rất quan trọng trong việc tái đầu tư cho hoạt động bảo tồn di sản.

Từ hình ảnh của 2 di sản văn hóa thế giới mà Thừa Thiên Huế có, cùng với các di tích lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng, các lễ hội truyền thống, lễ hội cung đình có quy mô lớn đã được tái hiện chân thực; các loại hình múa hát cung đình, lễ nhạc cung đình, tuồng Huế, ca Huế, ca kịch Huế và các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ các dân tộc thiểu số… đã đẩy nhanh tốc độ phát triển của ngành du lịch, góp phần thúc đẩy sự gia tăng, mở rộng của các ngành kinh tế khác, từng bước phục hồi các nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đồng thời tăng thu nhập, phát triển kinh tế.

Thách thức trong bảo tồn và phát triển

Cố đô Huế là một mẫu mực hiếm có về quy hoạch và xây dựng một kinh đô phong kiến phương Đông còn lưu giữ được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình, với hệ thống thành quách, cung điện, miếu đường, đền đài, lăng tẩm, chùa quán, cầu cống... Là kho tàng di sản văn hoá vật chất đồ sộ có giá trị và tầm vóc quốc tế cần tiếp tục được bảo tồn, tôn tạo phù hợp với các Công ước quốc tế về bảo vệ di sản, văn hóa mà Việt Nam tham gia.

Tuy nhiên, hệ thống Di tích Cố đô tồn tại trong lòng đô thị, vì vậy luôn phát sinh mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, cần phải được giải quyết hài hòa theo hướng kết hợp chặt chẽ hài hoà trong việc cải tạo xây dựng đô thị và việc bảo vệ trùng tu, tôn tạo khôi phục và làm sống lại Di sản kiến trúc, văn hoá, lịch sử của dân tộc và nhân loại, bảo vệ và cải thiện cảnh quan thiên nhiên, bảo đảm tỷ lệ và mật độ tầng cao hợp lý, giữ gìn kiểu nhà vườn và phong cách độc đáo của kiến trúc Cố đô. Đây là vấn đề trung tâm, là thách thức rất lớn cho Chính quyền và nhân dân địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo sự hài hài giữa bảo tồn - phát triển và cũng là vấn đề mà Ủy ban Di sản Thế giới đã nhiều lần khuyến cáo đối với di sản Huế.

Đến này đã có 132 công trình đã được trùng tu, song còn khoảng 400 công trình vẫn đang ở trong tình trạng hư hỏng nặng nề, nhiều công trình đã trở thành phế tích và bị biến dạng qua thời gian cần sớm được tu bổ và phục hồi. Ngoài ra, trong khu vực I của di tích hiện có 3.147 hộ dân sinh sống tạo áp lực lớn lên di tích (theo kết quả điều tra năm 2010), làm tăng nguy cơ biến một số di tích thành phế tích, cảnh quan môi trường xuống cấp, nhất là ở các khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào.

Để vượt qua những khó khăn, thử thách và đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, đòi hỏi phải có một sự nhận thức đúng đắn trong toàn thể cộng đồng về di sản Huế, cần có một chiến lược phù hợp cùng những sách lược linh hoạt của lãnh đạo các cấp, cơ chế đặc thù của Chính phủ dành cho khu di sản Huế; đồng thời phải có sự nỗ lực lớn hơn từ đơn vị được trực tiếp giao phó việc quản lý khu di sản Huế, sự chung sức của nhân dân, và cuối cùng là sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế cũng là một yêu cầu không thể thiếu trong bối cảnh hội nhập cùng thế giới.

Theo thuathienhue.gov.vn

Các bài mới
Các bài đã đăng