Công trình thủy lợi Trung Tiến - Phú Sơn từng được kỳ vọng khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất nông nghiệp kéo dài tại xã Lộc Tiến (huyện Phú Lộc, TT-Huế). Tuy nhiên, sau 10 năm hoàn thành, công trình chưa một lần sử dụng, nhà điều hành trạm bơm nay thành chuồng nuôi dê.
Tiền Tỷ bằng 0
Cuối vụ hè thu, cây lúa vào thời kỳ làm đòng, nhưng những cánh đồng rộng lớn xã Lộc Tiến vẫn kiệt nước. Ngay bên cạnh là công trình thủy lợi được đầu tư hơn 2 tỷ đồng từ ngân sách, số tiền rất lớn vào thời điểm năm 2003. Đến nay, đây vẫn là công trình thủy lợi có quy mô lớn nhất được đầu tư hoàn chỉnh tại vùng nam huyện Phú Lộc.
Công trình gồm trạm bơm, nhà điều hành, trạm biến áp điện và gần 2 km kênh mương, với chức năng cung cấp nước tưới cho khoảng 100 ha lúa hai vụ của nhiều hợp tác xã trên địa bàn Lộc Tiến.
Dân địa phương cho biết, khi công trình hoàn thành, trạm bơm vận hành, thì toàn bộ hệ thống nắp đậy cống hộp bị bật bung. Chưa kịp đẩy dòng chảy về các cánh đồng, nước bơm nhanh chóng tràn ngập đường sá, nhà cửa của dân, nhiều đoạn kênh không chịu nổi áp lực đã bị nứt vỡ... Hoạt động bơm tưới phải tạm dừng để xử lý.
Sau khi khắc phục sự cố, các cơ quan chức năng tổ chức bơm để nghiệm thu công trình, nhưng kết quả vẫn không khả quan. Tệ hơn, ở đoạn cuối kênh, nước từ ruộng đồng lại chảy ngược về trạm bơm. Vị trí lấy nước cho trạm là một nhánh suối nhỏ, không đủ nguồn cung cấp ngay cả khi mùa mưa. Đến hè, dòng suối này gần như khô kiệt... Kể từ đó, công trình bị bỏ mặc giữa mưa nắng.
Một cán bộ xã Lộc Tiến cho biết, công trình thực hiện theo hình thức chìa khóa trao tay, địa phương là đơn vị hưởng lợi, hoàn toàn không được tham gia tư vấn khảo sát vị trí, giám sát xây dựng. “Đây là công trình lỗi về thiết kế và khảo sát vị trí, chất lượng cũng không bảo đảm” - ông Huỳnh Tấn Tam, cán bộ HTX Trung Tiến (xã Lộc Tiến), cho biết.
Thủy lợi... hại dân
Trạm biến áp cấp điện cho công trình thủy lợi phủ đầy dây leo. |
Công trình hiện xuống cấp nghiêm trọng, gây trở ngại cho sản xuất và đời sống của dân. Nhiều vị trí của kênh bê tông bị sụp đổ, bùn đất, cỏ dại vùi kín dòng chảy bên trong.
Trạm bơm và trạm biến áp cũng trong cảnh hoang tàn, trở thành nơi xả rác thải của nhiều gia đình trong vùng. Khu nhà điều hành trạm bơm từ lâu trở thành chuồng nuôi dê của dân. Dòng kênh đúc vô hình trung trở thành con đê ngăn thoát nước, gây ngập úng ruộng vườn, nhà cửa vào mùa mưa. Bất đắc dĩ, người dân tự ý phá dỡ nhiều đoạn kênh vô dụng để khơi thông dòng lũ từ núi đổ về.
“Công trình không phát huy tác dụng, mà còn gây khổ sở cho dân. Đặc biệt là nạn ngập lụt vào mùa mưa. Đề nghị sớm có biện pháp xử lý, để dân yên tâm sinh sống, sản xuất”, bà Nguyễn Thị Hương, trú đội 4 - xã Lộc Tiến, phản ánh.
Theo địa phương, để công trình phát huy tác dụng, bắt buộc phải thay đổi lại thiết kế và gần như xây mới hoàn toàn. Tuy nhiên, kinh phí đầu tư này rất lớn, địa phương không kham nổi. Theo ông Trần Kim Thành, Phó GĐ Sở NN&PTNT tỉnh TT-Huế, sắp tới, Sở sẽ làm việc với huyện Phú Lộc để tìm giải pháp tháo gỡ. Trước mắt, để khắc phục tình trạng khô khát bên công trình thủy lợi tiền tỷ, huyện Phú Lộc đầu tư nửa tỷ đồng để xây thêm một công trình thủy lợi nhỏ, nhằm giải quyết nhu cầu nước tưới cho gần 100 ha lúa của xã Lộc Tiến. |
Theo TPO