Kinh tế và phát triển
"Đà Lạt của Huế" thành bãi hoang tàn
16:13 | 19/08/2013

Rừng Thiên An vốn được mệnh danh là “Đà Lạt của Huế” với thảm thông xanh và hồ nước Thủy Tiên thơ mộng.

"Đà Lạt của Huế" thành bãi hoang tàn
Một trong những biệt thự xây dang dở giữa đồi thông Thiên An

Hơn 10 năm trước, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế giao khu rừng cảnh quan này cho một doanh nghiệp xây dựng Trung tâm vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên. Nhưng chỉ sau vài năm hoạt động, khu khu du lịch này đã trở thành một bãi hoang tàn.

Trung tâm vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên rộng hàng chục hecta, trong suốt buổi “khám phá” chúng tôi chỉ gặp hai người, anh kiểm soát vé ở cổng và chị bán nước giữa đồi thông. Dù khu du lịch đã ngừng hoạt động, nhưng chủ đầu tư vẫn bán vé (10.000 đồng/vé) cho khách vào… ngắm cảnh rừng thông.

Chị bán nước cho biết khu này lâu nay rất vắng, thỉnh thoảng cuối tuần mới có một vài nhóm khách mua vé vào chơi trên đồi thông.

Hoang tàn

Nhà thủy cung hình con rồng ôm quả cầu đã bỏ hoang, nằm giữa hồ nước cạn khô trơ đáy. Trần nhà thủy cung vỡ toang hoác, những con vật bằng bêtông gãy đổ ngổn ngang. Phía nam khu hồ là bốn ngôi biệt thự xây dang dở cũng bỏ hoang giữa cây bụi um tùm. Cạnh đó là khu công viên nước với hệ thống ba máng trượt phủ đầy lá thông khô.

Sang phía tây của hồ Thủy Tiên là khu nhà “thế giới ảo” gồm các cửa vào đã niêm phong lâu ngày. Khu trình diễn nhạc nước cũng trong cảnh hoang tàn tương tự, cỏ dại um tùm. Ở giữa hai hồ nước xanh đục do nhiễm tảo là hai dàn thép phun nước gỉ sét. Toàn cảnh khu du lịch là một bãi hoang tàn.

Trung tâm vui chơi giải trí hồ Thủy Tiên khởi công đầu năm 2001, do Công ty du lịch Cố Đô (khi đó là doanh nghiệp nhà nước của tỉnh Thừa Thiên-Huế) đầu tư. Giai đoạn 1 đã xây dựng xong với tổng vốn hơn 70 tỉ đồng, gồm các hạng mục chính như nhà thủy cung, khu công viên nước, khu không gian ba chiều, khu vườn thần tiên, khu trò chơi mạo hiểm, khu làng văn hóa và các trò chơi nước trên hồ Thủy Tiên…

Đến tháng 6/2004, trung tâm bắt đầu mở cửa đón khách tham quan. Tuy nhiên, cùng với việc khai thác kém hiệu quả và nhiều lý do khác, trung tâm này đã phải dừng thi công khi nhiều công trình đang còn dang dở.

Năm 2008, trước sức ép của hai ngân hàng cho vay đòi nợ, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cho bán và Công ty Haco Huế (do một nhà đầu tư đến từ Hà Nội) đã mua lại với giá 40 tỉ đồng, được quyền sử dụng 50 năm.

Kể từ ngày mua cho đến nay, chủ nhân mới gần như không đầu tư gì vào trung tâm này. Từ nhân lực hơn 40 cán bộ nhân viên rút xuống còn chưa đến 10 nhân viên. Khách ế ẩm, trong khi các công trình tiếp tục xuống cấp và bỏ hoang.


Các máng trượt của công viên nước bỏ hoang


Khu nhạc nước đang xuống cấp, cỏ dại mọc đầy

Lãng phí

TS Trần Thị Mai (nguyên hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề du lịch Huế) nhận xét: “Muốn phát triển sản phẩm hoặc loại hình du lịch nào, lẽ ra phải nghiên cứu nhu cầu thị trường, sẽ đón loại khách nào, quốc tế hay nội địa, khả năng chi trả từ ban đầu… Rất tiếc dường như ở đây chỉ đầu tư theo ý muốn chủ quan của nhà đầu tư”.

Tương tự, giám đốc một công ty du lịch lớn ở Huế cho rằng việc đầu tư ở đây sai định hướng ngay từ đầu bởi các dịch vụ thủy cung, nhạc nước… là những sản phẩm không phù hợp ở Huế. Du khách đến Huế không phải để xem thủy cung, nhạc nước; nếu cần thì khách sẽ chọn Nha Trang, Vũng Tàu hay Singapore, Thái Lan. Khách bản địa (người Huế) có thể thích dịch vụ đó nhưng số người có tiền và có nhu cầu vào xem lại không nhiều.

“Theo tôi, việc đầu tư ở hồ Thủy Tiên vừa tham lam, vừa không có định hướng, lại còn mắc sai lầm lớn là xây các công trình phá vỡ cảnh quan vốn rất nên thơ”, vị này nhận xét.

Ông Nguyễn Văn Cao, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cũng thừa nhận cách đầu tư khai thác thắng cảnh Thiên An như vừa qua là lãng phí tài nguyên du lịch. Tuy nhiên, theo ông Cao, chủ sở hữu hiện nay là Công ty Haco Huế cũng đang trong giai đoạn thua lỗ vì dự án nói trên, cho nên phải “dần dần giải quyết”. Ông Cao cho hay tỉnh cũng đã đặt ra vấn đề thu hồi dự án nhưng không có tiền đền bù.

“Mà thu hồi cũng không biết để làm gì, chưa có đơn vị mới nào đầu tư, cho nên phải động viên họ gắng làm thôi!”, ông Cao nói.


Nhà thủy cung được đánh giá là công trình phá vỡ cảnh quan thơ mộng của rừng Thiên An

Sẽ tiếp tục đầu tư trong năm 2014

Ông Chu Tiến Dũng, giám đốc Công ty Haco Huế, cho biết sau nhiều lần trình bày phương án đầu tư không được tỉnh thông qua, cuối tháng 7/2013, phương án xây dựng khu đồi Thiên An thành khu nghỉ dưỡng đã được UBND tỉnh bước đầu đồng ý.

Trên khu vực rộng 63,4ha này sẽ bố trí một sân tập golf chín lỗ ở phía bắc hồ Thủy Tiên. Cạnh đó là nhà hàng và khu vực cắm trại. Khu thủy cung sẽ đập bỏ phần con rồng, cải tạo trở thành một nhà thủy tạ. Khoảng 50 bungalow được bố trí lẩn khuất trong khu rừng thông nối với nhau bằng những con đường đi dạo nhỏ, trở thành nơi lưu trú có dịch vụ bồi dưỡng sức khỏe. Hồ Thủy Tiên cũng sẽ được cải tạo thành cảnh quan chính, đồng thời là nơi câu cá…

Phương án nói trên sẽ thực hiện vào đầu năm 2014. Ông Dũng nói: “Dù có nhiều bất cập trong việc tìm phương án đầu tư, nhưng tôi cho rằng toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện không còn khu nào chưa khai thác có một không gian lý tưởng như đồi Thiên An!”.

Theo Thái Lộc (Tuổi Trẻ)

Các bài mới
Các bài đã đăng