Kinh tế và phát triển
Bất động sản ở Huế ngày càng ế ẩm
08:19 | 22/08/2013

Không nhiều nhà đầu tư như hai đầu đất nước, song Huế đang tồn kho một lượng khá lớn căn hộ bất động sản. Các chủ đầu tư đã triển khai nhiều chương trình khuyến mại, nhưng tình hình chưa thể sáng sủa hơn.

Bất động sản ở Huế ngày càng ế ẩm
ản phẩm nhà ở của Ancuu City ế ẩm

“Như của để dành”

Ông Đinh Văn Chiến, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư IMG, chủ đầu tư dự án đô thị mới An Cựu cho hay, một tháng đơn vị chỉ bán được từ 1-2 căn hộ. Tháng ế ẩm không bán được căn hộ nào. Điều đó phần nào lý giải cho tình trạng đìu hiu tại sàn giao dịch bất động sản của đơn vị, khi chúng tôi đến trong một ngày trung tuần tháng 7-2013. Cách đây khoảng 3 năm, khi thị trường bất động sản đang sôi động, chủ đầu tư cũng vừa mới hoàn thành một số căn hộ nhà liền kề, người đến xem, mua tấp nập. Chỉ trong một buổi sáng giới thiệu sản phẩm, tôi chứng kiến gần 200 bộ hồ sơ mua nhà được phát cho khách hàng. Giờ đây, hàng chục căn hộ liền kề, biệt thự đã xây xong, hạ tầng kỹ thuật đầy đủ, đơn vị đã thông báo trên truyền hình, phát tờ rơi với những chương trình khuyến mại, mua nhà trúng xe, giảm giá hấp dẫn... vẫn không thấy bóng dáng khách hàng.

Không ở vị trí thuận lợi như đô thị mới An Cựu, song với sự sôi động của trục đường Phạm Văn Đồng, đường Thủy Dương - Thuận An, Trường Huestar, đô thị mới Mỹ Thượng được xem là địa điểm có tiềm năng thu hút nhà đầu tư. Tuy nhiên, dù đã hoàn tất 70% hạ tầng kỹ thuật trong vòng một năm và hoàn thành toàn bộ phần thô của công trình nhà liền kề nhưng đến nay, số khách hàng cũng chỉ lác đác vài người tới hỏi rồi... đi thẳng. Anh Ngô Thành Khôi, cán bộ phụ trách kỹ thuật Công ty CP Xây dựng Điện Việt Nam, Chủ đầu tư dự án đô thị mới Mỹ Thượng chua xót: “Đầu tư dự án ở Huế như của để dành. Lúc nào thiếu thì bán ăn dần, chứ không thể bán ồ ạt như các nơi khác”. Cũng chính vì ế ẩm, dự định xây thêm nhiều căn hộ liền kề của chủ đầu tư phải dừng lại. Để kích cầu, chủ đầu tư tung ra nhiều chương trình khuyến mại giảm giá và ký kết với ngân hàng có cơ chế ưu đãi lãi suất cho vay khi mua căn hộ nhưng xem ra chỉ chừng đó thôi vẫn chưa đủ để sản phẩm bất động sản của đơn vị “bớt lạnh” như hiện nay.

Chỉ tính riêng căn hộ đã xây dựng, hiện trên địa bàn còn tồn đọng gần 150 căn hộ, với tổng diện tích gần 14 ha, trong đó, đô thị mới An Cựu còn 56 căn hộ chưa bán được, đô thị mới Mỹ Thượng 28 căn hộ, đô thị mới Đông Nam Thủy An còn gần 500m2 đất nền, với tổng số tiền tồn kho gần 130 tỷ đồng. Riêng Nhà A Khu chung cư Bãi Dâu, đầu tư hoàn thành đã 2 năm, nhưng cả 61 căn hộ, với giá trị đầu tư hơn 16,2 tỷ đồng hiện vẫn chưa bán được căn hộ nào.

Ngay như nhà thu nhập thấp của Vicoland, dù là mô hình được hỗ trợ về thuế, lãi suất, giá cả ưu đãi, song trong đợt làm việc với doanh nghiệp mới đây, đại diện lãnh đạo Vicoland chi nhánh Huế cho biết, tuy lượng hồ sơ phát ra lớn nhưng khi doanh nghiệp yêu cầu khách hàng đến làm thủ tục đăng ký mua căn hộ và trả tiền theo tiến độ thì chỉ có chừng 20 khách hàng đến, chỉ bằng 10% so với lượng hồ sơ phát ra.

Lo cùng chủ đầu tư

Vẫn biết thị trường bất động sản trên cả nước đang đứng, song khi tiếp cận một số chủ đầu tư kinh doanh bất động sản trên thị trường, chúng tôi không khỏi buồn và lo. Buồn là vì ở Huế lâu nay rất ít bị ảnh hưởng trước những biến động và những cơn sốt ảo của thị trường bất động sản, nhưng bây giờ điều đó đã là quá vãng. Lo là vì chủ đầu tư, các doanh nghiệp bỏ ra một số vốn khá lớn để đầu tư xây dựng căn hộ nhưng không bán được. Số tiền họ đầu tư đa phần là tiền vay ngân hàng, nếu không bán được căn hộ thì nguy cơ vỡ nợ hay chỉ đơn giản là tái đầu tư những hạng mục tiếp theo của dự án sẽ khó khả thi. Như vậy, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, chủ đầu tư nợ đơn vị thi công, đơn vị thi công nợ đơn vị cung cấp vật liệu xây dựng, rồi nợ lương công nhân...

Đến Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Sở Xây dựng, chúng tôi nhận được sự đồng cảm của ông Trần Kiêm Hòa, trưởng phòng. Ông cho hay, lãnh đạo sở cũng trăn trở rất nhiều mỗi khi tiếp cận với doanh nghiệp, nghe doanh nghiệp trình bày tâm tư, nguyện vọng. Phía sở cũng chỉ dừng ở mức độ tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế chính sách phù hợp để giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Theo ông Trần Kiêm Hòa, các giải pháp, như gia hạn nộp thuế, giãn nợ, khoanh nợ, khấu trừ thuế, miễn lệ phí trước bạ... chỉ là tạm thời. Lâu dài, để doanh nghiệp bất động sản “sống”, cần sự hỗ trợ từ nhiều phía.

UBND tỉnh cũng nhiều lần tổ chức đối thoại và trực tiếp đến làm việc tại một số doanh nghiệp để nghe tâm tư, nguyện vọng và cùng tìm cách tháo gỡ khó khăn. Song, phía chính quyền địa phương dù có hỗ trợ cũng ở mức độ nhất định, bởi trong tình hình khó khăn như hiện nay, thì theo như lời của một chủ đầu tư, dù có mời giáo sư, tiến si hay bất cứ chuyên gia bất động sản nào chỉ đường dẫn lối cũng khó có thể khôi phục lại thị trường bất động sản như trước đây.

Ông Nguyễn Mậu Chi, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bia Huế:
 
Doanh nghiệp phải tự cứu mình
 
Sự hỗ trợ của Nhà nước là cần thiết, song muốn tồn tại, không còn cách nào khác là doanh nghiệp phải tự cứu mình trước khi chờ sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Bản thân mỗi doanh nghiệp phải biết năng lực tài chính của mình ngang đâu để chọn hướng đi phù hợp. Nếu năng lực kém, không có khả năng trả nợ ngân hàng, bảo hiểm, người lao động, thì nên thông báo phá sản. Nếu cứ để doanh nghiệp “nằm trong lồng kính” không chỉ là gánh nặng cho cộng đồng doanh nghiệp mà cho cả xã hội. Đối với những doanh nghiệp có năng lực tài chính cũng nên cơ cấu lại tổ chức, bộ máy, xem xét lại ngành nghề đầu tư để có hướng đi phù hợp. Đầu tư dài hạn không ăn thì đầu tư trung hạn, ngắn hạn hoặc chuyển đổi ngành nghề. Và việc chọn đúng ngành nghề để đầu tư phù hợp với xu thế hiện nay cũng là cách giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn để tồn tại.
 
Ông Trần Đức Vẽ, Phó Giám đốc Vicoland-Chi nhánh Huế:
 
Cần có chế tài đối với ngân hàng cố tình gây khó cho doanh nghiệp
 
Chúng tôi đầu tư căn hộ nhà thu nhập thấp, theo chủ trương chung là được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển. Thế nhưng, dù đã ký kết hợp đồng tín dụng 117 tỷ đồng với ngân hàng nhưng đến nay chúng tôi chỉ được giải ngân 30 tỷ đồng, trong khi đó, số vốn chúng tôi đầu tư gần gấp đôi con số này. Mới đây, Chính phủ còn đưa ra gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhưng thú thật, chúng tôi cũng khó tiếp cận. Theo tôi, khi Chính phủ hay là địa phương ban hành các chính sách hỗ trợ nên nghiên cứu có hướng dẫn cụ thể. Doanh nghiệp nào được vay, không được vay cũng cần có thông báo. Đối với các ngân hàng, Nhà nước cũng cần có chế tài nếu cố tình gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.
 
Chị Nguyễn Thu Hương, ở đường Bến Nghé (TP Huế):
 
Giá căn hộ cao
 
Tôi rất thích sống ở các đô thị mới vì ở đó có nhiều tiện nghi, có thể vừa vui chơi, giải trí vừa đảm bảo an ninh trật tự. Tuy nhiên, tôi thấy hiện nay, giá bán căn hộ tại đô thị mới An Cựu quá cao so với thu nhập công chức như tôi. Còn với đô thị mới Mỹ Thượng thì ngoài tầm với, mỗi căn hộ hơn 3 tỷ đồng không chỉ tôi mà rất nhiều người ở Huế sẽ không chọn. Nếu có chừng đó tiền, tôi sẽ chọn mua đất và xây nhà theo ý thích của mình. Tôi nghĩ, nếu chủ đầu tư muốn bán căn hộ cho người Huế thì phải hạ giá thành, đầu tư diện tích vừa phải, hạn chế chiều cao thì mới phù hợp sở thích và túi tiền của đại bộ phận cán bộ, công chức và người có mức thu nhập trung bình.
 
T.Huệ (thực hiện

Theo TTh Online

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng