Là địa phương có chiều dài bờ biển gần 40 km, những năm qua, huyện Phú Vang đã ban hành nhiều Nghị quyết, chương trình hành động về Chiến lược phát triển kinh tế biển. Trong đó, trọng tâm là phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, hướng đến mục tiêu mọi ngư dân đều am tường Luật biển.
Hiệu quả của mô hình Tổ đoàn kết đánh bắt trên biển.
Đoàn tàu cập bờ sau chuyến ra khơi dài ngày, chúng tôi mới có dịp gặp anh Anh Ngô Đức Toán, thôn An Dương, xã Phú Thuận. Vừa bước chân khỏi tàu, khi chúng tôi hỏi về hiệu quả của việc thành lập Tổ đội đoàn kết tàu thuyền hỗ trợ nhau khai thác trên biển, gương mặt còn đậm mùi mặn của biển, anh hồ hởi cho biết: “Tổ đoàn kết, hợp tác làm ăn hiệu quả lắm, sản lượng đánh bắt tăng gấp nhiều so với đánh bắt riêng lẻ”. Hiện Tổ đội của anh có 7 tàu thuyền (4 chiếc có công suất từ 300 CV trở lên chuyên ra khơi khai thác vùng lộng) những chiếc còn lại làm công tác phục vụ hậu cần khai thác như đón và chuyên chở cá về Cảng, tiếp chuyển các nhu yếu phẩm, xăng dầu, đá lạnh phục vụ các thuyền lớn tiếp tục ra khơi. Từ khi thành lập Tổ đội, các tàu thuyền có thời gian bám ngư trường, kịp thời phát hiện các tàu cá lạ xâm phạm lãnh hải của đất nước để báo các cơ quan chức năng xử lý. “Những năm trước khi tàu thuyền chưa được nâng cấp chúng tôi chỉ có đánh bắt quanh quẩn gần bờ, sau khi nâng cấp tàu thuyền lên đến 300CV, đánh bắt xa hơn, tăng chuyến ra khơi nhiều hơn, hiệu quả kinh tế cao và thấy biển của đất nước mình rộng lắm. Vì thế việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng, nên khi lao động trên biển chúng tôi luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, khi phát hiện tàu thuyền lạ, báo đồn biên phòng để có biện pháp xử lý kịp thời”- anh Toán cho biết thêm.
Theo thống kê, toàn huyện Phú Vang hiện có 1.420 chiếc tàu tham gia khai thác đánh bắt trên biển, trong đó có 168 chiếc tàu công suất từ 90 CV đến 360 CV chuyên đánh bắt xa bờ, vươn ra khai thác ở những ngư trường lớn. Từ năm 2008 đến nay, Phú Vang đã vận động và thành lập được 39 tổ đội tàu thuyền đoàn kết, trung bình mỗi tổ có từ 6 đến 10 tàu. Tổng thu nhập của người dân hoàn toàn dựa vào nghề khai thác thủy, hải sản và phát triển nhóm hậu cần nghề cá. Chính vì vậy, Phú Vang đã xác định vai trò của biển rất quan trọng với ngư dân. Biển không chỉ là nhà, là “cơm áo gạo tiền” mà là cuộc sống của ngư dân. “Ngoài việc phát triển ngành nghề và năng lực đánh bắt, những năm qua, sự hình thành các tổ, đội đã đảm bảo an toàn tính mạng ngư dân và tài sản khi gặp thiên tai, bão lũ xảy ra, đặc biệt là đối phó với các phương tiện đánh bắt xâm lấn vùng biển Việt Nam. Nhờ sự tập trung chỉ đạo của huyện và phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng đã hạn chế rủi ro xảy ra trên biển, đảm bảo an toàn vùng đánh bắt và bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc”- Ông Dương Phúc, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phú Vang cho biết.
Bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc
Ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới vùng biển đảo, cán bộ chiến sĩ Bộ đội biên phòng đóng trên địa bàn huyện đã luôn sát cánh với các địa phương trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, nhất là bà con ngư dân trong làm ăn, phát triển sản xuất, xây dựng địa bàn biên phòng vững mạnh. Để hỗ trợ cho ngư dân bám biển, lực lượng Biên phòng đã tham mưu và cùng với chính quyền địa phương xây dựng mô hình Tổ tàu thuyền đoàn kết sản xuất trên biển, ngư thuyền sát cánh cùng nhau ra khơi. Thượng tá Lê Đức Phúc, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Thuận An cho biết: “Thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình, đơn vị đã phối hợp với địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trong các chuyến ra khơi, nhiều ngư dân đã cung cấp cho Bộ đội biên phòng những tin có giá trị về các hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trên biển, về tranh chấp ngư trường, tai nạn trên biển để đơn vị tổ chức giúp người dân khắc phục hậu quả rủi ro, cứu hộ, cứu nạn”.
Về Phú Vang vào những ngày cuối tháng 10, những thiệt hại do hai cơn bão số 10,11 vẫn còn đó, nhưng khi biển lặng gió, đoàn thuyền lại ra khơi. Sau 10-15 ngày bám biển tìm nguồn cá, đoàn thuyền lại dồn dập cập bến, mỗi tàu đem về đất liền 7-10 tấn cá, trên các bến cảng lại tấp lập, nhộn nhịp cảnh thu mua hải sản mỗi sáng, khi chiều. Trở về sau chuyến ra khơi, nhiều bà con ngư dân ở đây vừa vui mừng khi cá đầy khoang nhưng cũng chia sẻ nỗi khó khăn, nhọc nhằn khi đánh bắt xa bờ với giá cả các mặt hàng thiết yếu đều tăng cao, nhất là giá xăng dầu. Dẫu là vậy, nhưng người dân biển sinh ra và lớn lên từ biển, gắn bó với biển họ lại càng đoàn kết bám biển, ra khơi để mưu sinh và giữ gìn ngư trường, tài nguyên biển, bảo vệ chủ quyền biển của Tổ quốc.
Theo thuathienhue.gov.vn