Với sự tác động của thiên tai, khí hậu và sự tác động tiêu cực từ con người đã và đang làm cho hệ sinh thái vùng đất ngập nước sông Ô Lâu (huyện Phong Điền) mất dần nguồn tài nguyên và các nguồn gen quý hiếm.
Cách đây 7 năm, vùng đất ngập nước cửa Sông Ô Lâu, thuộc xã Điền Hòa, huyện Phong Điền là nơi giao thoa giữa 2 vùng nước nước ngọt từ thượng nguồn sông Ô Lâu đổ về và vùng nước lợ của đầm phá Tam Giang.
Vì vậy, tính đa dạng sinh học ở đây rất cao với hơn 900 loài động, thực vật trong đó có 22 loài được ghi trong danh sách bảo vệ của cộng đồng châu Âu, là một trong những sân chim cho các loài di trú từ phương Bắc về phương Nam.
Đối lập với sự nhộn nhịp của một hệ sinh thái trước đây, cửa sông Ô Lâu bây giờ trở nên vắng vẻ hơn. Trải qua nhiều năm, do ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, thêm vào đó là mức độ khai thác chưa hợp lý, thậm chí là mang tính hủy diệt của người dân, khiến tài nguyên đất ngập nước sông Ô Lâu suy giảm nghiêm trọng. Các loài chim di cư giảm mạnh, các loài thủy sản có nguy cơ biến mất. Thực trạng này đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến sự đa dạng sinh học của hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Trước nguy cơ nguồn tài nguyên cửa sông Ô Lâu biến mất, việc hình thành khu bảo tồn theo phương thức đồng quản lý, sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng cư dân về giá trị của đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản - mà họ chính là người được hưởng lợi.
Mục tiêu lâu dài của các dự án là nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng và người dân sẽ là những chủ thể trong việc bảo tồn, gìn giữ nguồn lợi thủy sản trong đầm phá, bởi đó là sinh kế của cư dân nơi đây. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra ở khu vực này cho thấy dự án đã triển khai, nhưng chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.
Theo Minh Tây