Kinh tế và phát triển
Lặng lẽ Chân Mây
08:24 | 11/11/2013

Trong chuyến công tác tại Huế, chúng tôi có dịp ghé thăm huyện Phú Lộc, nơi có vịnh Chân Mây- một trong những vịnh đẹp nhất của dải đất miền Trung. Mảnh đất giáp biển này cũng là nơi những cán bộ Hải quan thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Chân Mây (Cục Hải quan Thừa Thiên-Huế), đang thực hiện nhiệm vụ được giao.

Lặng lẽ Chân Mây

Ở nơi cửa biển

Vịnh Chân Mây nằm cách trung tâm cố đô Huế 70km về phía Nam. Sau một giờ đi xe, những cơn mưa bất chợt đón tiếp chúng tôi theo đúng đặc trưng của “mảnh đất màu tím”, đặc điểm thời tiết điển hình vốn được ví như tâm tình của người con gái Huế những tháng cuối năm. Trên vịnh, mọi thứ đều im lặng, chỉ có những dải cát trắng trải dài và những cây keo gãy đổ. Thuyền của ngư dân cũng nằm im, xếp thành hàng sát bên bờ biển, mọi cảnh vật, con người nơi đây như vẫn còn đang nghỉ ngơi lấy lại sức sau nhiều ngày phải chống chọi với cơn bão Nari mạnh cấp 11 vừa quét qua  vài ngày trước. Ấn tượng duy nhất với tôi đến từ những chiếc thuyền thúng bập bềnh  phía xa ngoài biển, hình tượng khiến tôi liên tưởng đến những nốt nhạc trầm trong bản nhạc mà âm thanh là tiếng sóng rì rào vỗ về, ôm lấy bờ  biển dài phủ đầy cát trắng.

Công chức Chi cục Hải quan CK cảng Chân Mây giám sát 
quy trình vận chuyển hàng hóa lên tàu

Giới thiệu cho tôi về mảnh đất này, một ngư dân chia sẻ: “Đây là một vùng tam giác rộng khoảng 20km, đáy của tam giác chính là phần đất chúng tôi đang đứng, phía Tây là cửa sông Cù Dù và mũi Chân Mây Tây. Phía Đông là cửa sông Chu Mới và mũi Chân Mây Đông. Hai mũi Đông- Tây cách nhau 7km giống hai cánh tay người khổng lồ che chắn các luồng gió bão thổi vào vịnh và 4 làng phía sau gồm Cảnh Dương, Đông An, Bình An và Phú Hải. Ngoài ra, tại khu vực này còn có bãi biển Cảnh Dương, là một trong những bãi biển đẹp nhất Việt Nam từng được vua Khải Định dựng thành cung Tịnh Viêm để nghỉ ngơi. Vùng vịnh dưới mũi Chân Mây Đông vươn xa ra biển hơn 2km nước xanh ngắt, chỗ cạn cũng đo được khoảng 9m, chỗ sâu là 15m, nơi đó được xây dựng thành cảng Chân Mây”.

Tại cảng Chân Mây, tôi gặp anh Ngô Văn Hiển, một ngư dân huyện Phú Lộc, hỏi anh về cuộc sống của người dân nơi đây, anh cho hay: “Chúng tôi đa phần sống bằng nghề đánh bắt hải sản. Nổi tiếng nhất có làng Phú Hải, dân làng từ già đến trẻ quanh năm sống bằng nghề lặn do nơi họ sống bao quanh chỉ toàn cát. Cũng vì nghiệp lặn đã ăn vào máu nên người dân làng Phú Hải lặn biển rất giỏi. Nếu những ngư dân bình thường lặn biển chỉ được từ 8-10m là tức ngực, đau xương, chảy máu mũi thậm chí tử vong thì những ngư dân ở làng này có thể lặn sâu đến 20-25m mà không sao”.

Tàu chở hàng trọng tải hơn 30.000 tấn tại cảng Chân Mây. Ảnh: Q.Tấn

 

Cũng theo anh Ngô Văn Hiển: “Tại đây, do địa thế của vùng gần cảng có đá ngầm, kín gió nên có nhiều tôm hùm vào trú ngụ. Đây được xem là cứu cánh cho nhiều ngư dân nghèo bám biển tại vùng vịnh này. Trung bình mỗi con có giá từ 200.000 đến 250.000 đồng tùy theo chất lượng và kích cỡ. Nhưng mùa tôm cũng chỉ kéo dài vài tháng cuối năm nên chưa phải là bài toán xóa nghèo bền vững. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, do nhiều ngư dân thả lưới gần khu vực cảng biển khiến tàu ra vào cảng bị vướng “bẫy” nên chính quyền huyện cấm người dân đánh bắt gần cảng. Lợi nhuận từ mùa tôm cũng giảm sút, nếu trước đây 1 ngày thả lưới có thể kiếm được vài triệu thì bây giờ giảm xuống hơn một nửa”.

Hỏi về cơn bão Nari mạnh cấp 11 vừa qua, những ngư dân nơi đây tâm sự: “Bão khiến nhiều nhà bị tốc mái hư hỏng nặng, có ngư dân phải trú trong những đường ống nước tại công trường để tránh bão. Mưa to, gió giật mạnh, nhà vốn xiêu vẹo nên mưa gió đến ở trong nhà cũng như không. Ngoài ra, những hàng keo dưới 2 năm tuổi cũng tiêu tan theo mưa bão, chỉ có những cây từ 3 đến 5 tuổi còn có thể tận dụng được, nhà máy vẫn thu mua cho chúng tôi vì dù sao chúng vẫn có giá trị kinh tế”.

Vươn lên cùng cảng biển

Tuy đời sống của ngư dân tại vịnh Chân Mây còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự phát triển của cảng Chân Mây, thu nhập của người dân đã phần nào được cải thiện hơn trước. 10 năm qua, cảng Chân Mây đã xếp dỡ gần 10 triệu tấn hàng hóa, đón 200.000 khách du lịch quốc tế. Cùng với đó, nơi đây đã giải quyết công ăn việc làm cho từ 50.000- 70.000 lao động địa phương. Hiện nay, tại cảng Chân Mây, cầu cảng số 1 đã có thể đón tàu có trọng tải 50.000 tấn, dự kiến trong năm nay sẽ tiếp tục nâng cấp cầu cảng thứ 2. Nhờ sự phát triển này, chỉ tính riêng trong năm 2012, cảng Chân Mây đã đón tiếp 33 lượt tàu du lịch với hơn 44.000 lượt khách. Trong đó có nhiều tàu du lịch quốc hiện đại như Seven Seas Voyager của Mỹ (6 sao) hay tàu SuperStar Aquarius (5 sao). Ngoài ra, trong năm 2013, trung bình mỗi tháng cảng Chân Mây tiếp đón từ 700 đến 2.000 lượt khách du lịch quốc tế đến Huế và các tỉnh miền Trung.

Dây chuyền vận chuyển hàng dăm gỗ lên tàu chở hàng

Đón tiếp chúng tôi tại trụ sở Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Chân Mây, ông  Nguyễn Trung Thành- Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Chân Mây cho biết: “Nhiều năm trở lại đây, đơn vị liên tục hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu nhiệm vụ thu NSNN. Tính đến thời điểm này, đơn vị đã thu NSNN hơn 140,8 tỷ đồng, đạt 64% chỉ tiêu được giao (220 tỷ đồng). Trong đó, mặt hàng chủ yếu là khoáng sản, dăm gỗ, nhựa đường và một số thiết bị máy móc tạo tài sản cố định của các DN trên địa bàn. Đồng thời, với việc triển thủ tục hải quan điện tử đến nay 100% DN trên địa bàn đã thực hiện khai thủ tục hải quan điện tử. Qua đó, giúp việc thông quan hàng hóa diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, đảm bảo đúng quy trình thủ tục và thu hút thêm nhiều DN đến làm thủ tục hải quan tại đơn vị”.

Để có những thành quả kể trên, ông Nguyễn Trung Thành cho biết: “Tuy không phải là một địa bàn có hoạt động XNK sôi động nhưng 11 cán bộ công chức Hải quan thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Chân Mây vẫn thường xuyên thay nhau giám sát các hoạt động trên biển bất kể ngày hay đêm. Có thời điểm hàng hóa tại cảng biển nhiều, CBCC Hải quan cửa khẩu cảng Chân Mây phải vừa làm thủ tục đăng ký tờ khai điện tử tại trụ sở vừa phải giám sát hàng hóa ngoài cảng biển”

Chiều xuống, những chiếc xe tải lớn vẫn tấp nập ra vào cảng, dây chuyền vận chuyển dăm gỗ liên tục chạy. Ở đó, những con tàu lớn đang miệt mài “ăn hàng” và CBCC Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Chân Mây luôn sát cánh cùng DN tạo điều kiện cho những chuyến tàu sớm rời bến thực hiện hải trình đưa hàng hóa ra khơi.

Theo Quang Tấn ( HQ Online )

Các bài mới
Các bài đã đăng