Kinh tế và phát triển
Tổng kết dự án Năng lượng bền vững ở cấp địa phương tại tỉnh Thừa Thiên Huế
14:46 | 19/11/2013

Sáng ngày 19/11, Trung tâm khuyến nông, lâm, ngư tỉnh Thừa Thiên Huế và trường Đại học Praha (Cộng hoà Séc) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả dự án Năng lượng bền vững ở cấp địa phương tại tỉnh Thừa Thiên Huế; dự án do Cộng hoà Séc tài trợ thông qua Đại sự quán Séc tại Việt Nam. 

Tổng kết dự án Năng lượng bền vững ở cấp địa phương tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trường Lưu trao quà lưu niệm cho ông Martin Klepeko, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Séc tại Việt Nam

Tham dự hội thảo có ông Martin Klepeko, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Séc tại  Việt Nam; đại diện trường Đại học Praha, tổ chức DWW, Công ty Dekonta a.s. và Công ty TNHH Enviros (Cộng hoà Séc). Phía tỉnh Thừa Thiên Huế có ông Lê Trường Lưu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành liên quan và các hộ dân hưởng lợi từ dự án.

Dự án "Năng lượng bền vững ở cấp địa phương tại tỉnh Thừa Thiên Huế" do Cộng hoà Séc tài trợ có tổng nguồn vốn đầu tư 457.000 USD, thời gian thực hiện 3 năm (từ năm 2011-2013) được triển khai trên địa bàn 6 xã, phường (phường Hương An, Hương Toàn, Hương Xuân thị xã Hương Trà và xã Phong An, Phong Sơn, Phong Xuân, huyện Phong Điền).

Sau 3 năm triển khai, dự án đã hỗ trợ xây dựng 700 công trình khí sinh học (hầm Biogas) cho các hộ nông dân chăn nuôi, trong đó ưu tiên hỗ trợ xây dựng công trình khí sinh học cho những hộ nghèo, hộ chăn nuôi có số lượng nhiều, gây ô nhiễm môi trường và hỗ trợ 298 giống lợn F1 cho 148 hộ tham gia dự án. Tổ chức 29 lớp tập huấn cho 700 hộ gia đình về xây dựng, bảo trì và quản lý hầm khí sinh học, phổ biến thông tin cho người dân về quản lý nguồn phân chuồng hiệu quả, ứng dụng phụ phẩm khí sinh học cho sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ xây dựng 02 công trình điện mặt trời qui mô nhỏ (công suất 100w) cho Trạm Y tế xã Phong Thu và phường Hương Chữ và một số hoạt động khác trong khuôn khổ của dự án.

Theo đánh giá của ban quản lý dự án tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như của phía đối tác tài trợ, bước đầu dự án đã góp phần nâng cao hiểu biết cho người dân về sự ô nhiễm môi trường do sự phân hủy chất hữu cơ ra ngoài tự nhiên; hạn chế nạn phá rừng nhờ sử dụng khí sinh học thay thế cho củi gỗ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giữ vệ sinh cho con người và vật nuôi...Về hiệu quả kinh tế là cung cấp nguồn năng lượng tái tạo sạch và sử dụng khí sinh học ngay tại các hộ gia đình, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước; tạo ra nguồn phụ phẩm sạch từ khí sinh học cho sản xuất nông nghiệp an toàn và hiệu quả, hàng năm mỗi hộ gia đình tiết kiệm từ 2,1 đến 2,5 triệu đồng tiền chất đốt.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trường Lưu cho rằng, mặc dù nguồn đầu tư không lớn nhưng các mục tiêu của dự án đã đạt được như mong muốn. Dự án không chỉ đã giúp cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, nhà quản lý và người nông dân nâng cao hiểu biết kiến thức trong chăn nuôi sạch, trong quản lý nguồn chất thải mà còn biết tái tạo ra nguồn năng lượng sạch, bền vững từ chất thải chăn nuôi để phục vụ cuộc sống và mở rộng sản xuất. Hy vọng rằng, những kết quả mà dự án đem lại sẽ là những kinh nghiệm tốt cho tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục triển khai các dự án khuyến nông thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như nhân rộng mô hình và duy trì bền vững các loại hình năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
 

Theo thuathienhue.gov.vn
 

Các bài mới
Các bài đã đăng