Kinh tế và phát triển
Diện mạo mới cho đô thị Lăng Cô
09:32 | 21/11/2013

Lăng Cô càng ngày càng phát triển, diện mạo thay đổi từng ngày, du khách gần, xa luôn chọn Lăng Cô là điểm đến để tắm biển và nghỉ dưỡng.

 

Diện mạo mới cho đô thị Lăng Cô
Ảnh (internet)

Đường Quốc lộ 1A đi ngang qua thị trấn đã được mở rộng mỗi bên hai làn xe, thảm nhựa phẳng lì; đèn tín hiệu, biển báo giao thông… tất cả đều được lắp mới. Hệ thống nhà hàng, khách sạn mọc lên khá nhiều, nhất là những khách sạn có quy mô lớn được triển khai xây dựng. Theo thống kê, đến nay, Lăng Cô có một số lượng phòng khách sạn khá lớn, khoảng hơn 700 phòng.

Ngoài lĩnh vực du lịch dịch vụ được tập trung đầu tư, hệ thống y tế, giáo dục cũng được quan tâm đúng mức với việc xây dựng trạm y tế, đặc biệt là sự ra đời chiến lược của bệnh viện đa khoa Chân Mây - Lăng Cô nhằm mục đích không chỉ giải quyết tốt công tác khám chữa bệnh và chăm sóc nhân dân trên địa bàn mà còn phục vụ tốt cho lĩnh vực du lịch đang phát triển mạnh ở đây. Các trường học cũng được xây dựng mới khang trang. Ấn tượng nhất là Trường mầm non Lăng Cô vừa mới được xây dựng và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2013 với mức kinh phí khá lớn gần 5 tỷ đồng, đã đáp ứng tốt cho nhu cầu chăm sóc, nuôi, dạy các cháu.

Đời sống người dân ngày một nâng cao với đa dạng ngành nghề và việc làm. Nhiều gia đình có điều kiện thì mở khách sạn, nhà hàng kinh doanh; một số ít vốn hơn thì chọn việc bán hàng tạp hóa, áo quần, hay tiểu thương ở chợ; một số khác chỉ muốn làm công ăn lương thì chọn cho mình công việc là nhân viên dịch vụ du lịch, duy trì công việc truyền thống gia đình chế biến mắm, ruốc,… Tuy nhiên, đông nhất vẫn là lực lượng đi biển. Cũng chính nhờ lực lượng này đã giúp cho Lăng Cô không chỉ giải quyết tốt công ăn việc làm, tăng thu nhập người dân, mà còn cung cấp nguồn hải sản phong phú, tươi ngon cho du khách và người dân khắp nơi trong tỉnh. Tại chợ Lộc Hải vào buổi sáng sớm, không khí buôn bán ở đây khá nhộn nhịp, người mua, người bán tấp nập, hối hả. Thực phẩm được tiêu thụ nhiều nhất vẫn là hải sản. Chị Loan - một tiểu thương ở đây cho biết: “Ngày nào chợ cũng đông, bởi ở đây số lượng người dân đi biển nhiều. Tất cả sản vật sau khi đánh bắt đều tập trung về đây để cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn trong vùng và cho các thương lái để đưa lên Huế bán cho người tiêu dùng. Nhờ vậy, cuộc sống của người dân Lăng Cô ngày càng ổn định và khấm khá hơn”.

Trò chuyện với tôi, anh Dương Đăng Trung - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết: “Với lợi thế của địa phương có bãi biển Lăng Cô được công nhận Vịnh biển đẹp thế giới. Vì vậy, nhiều năm qua, trong cơ cấu kinh tế của địa phương đã xác định lĩnh vực du lịch - dịch vụ và đánh bắt thủy hải sản là hàng đầu. Đến nay, lĩnh vực du lịch - dịch vụ đã chiếm tỷ trọng hơn 65% trong tổng số GDP của thị trấn. Với tỷ trọng này đã giúp Lăng Cô ngày càng phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp không khói theo hướng ổn định và bền vững”. Cũng theo anh Dương Đăng Trung, nhờ cơ cấu kinh tế đúng hướng nên đã giúp cho địa phương làm tốt công tác đào tạo nghề để cung cấp cho du lịch - dịch vụ. Trong 2 năm 2012, 2013, địa phương đã phối hợp với doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trên địa bàn đào tạo và giải quyết việc làm cho 150 lao động với mức thu nhập khá ổn định. Bằng nhiều giải pháp, biện pháp thiết thực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở Lăng Cô giảm xuống ở mức thấp dưới 3%.

Đô thị Lăng Cô đã và đang thay đổi theo hướng hiện đại, nền kinh tế có bước tăng trưởng khá và ổn định, cuộc sống người dân được cải thiện tích cực. Tất cả đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho Lăng Cô ngày càng phát triển.

Theo Hoàng Trọng Bửu

 

Các bài mới
Các bài đã đăng