Kinh tế và phát triển
Thứ trưởng Bộ VH,TT và DL Hồ Anh Tuấn làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và Ban quản lý dự án phát triển Du lịch bền vững tiểu vùng Mê Kông mở rộng 3 tỉnh miền Trung
14:46 | 27/11/2013

Chiều ngày 26/11, tại trụ sở UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia Dự án phát triển Du lịch bền vững GMS cùng đoàn công tác của Bộ đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và Ban quản lý dự án 3 tỉnh miền Trung (Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình) về tình hình thực hiện dự án phát triển Du lịch bền vững tiểu vùng Mê Kông mở rộng năm 2013, bàn kế hoạch thực hiện năm 2014. Tham dự buổi làm việc phía tỉnh Thừa Thiên Huế có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ngô Hòa. 

Thứ trưởng Bộ VH,TT và DL Hồ Anh Tuấn làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh và Ban quản lý dự án phát triển Du lịch bền vững tiểu vùng Mê Kông mở rộng 3 tỉnh miền Trung

Dự án phát triển Du lịch bền vững tiểu vùng Mê Kông mở rộng có tổng mức đầu tư 11,792 triệu USD (nguồn vốn ADB), được thực hiện ở 5 tỉnh (Cao bằng, Bắc Kạn, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình) thời gian thực hiện 5 năm (2009-2014).

Mục tiêu của dự án là phát triển du lịch bền vững, du lịch cộng đồng nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương tham gia vào dự án, đặc biệt tập trung vào xoá đói giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, bảo vệ di sản văn hoá. Dự án có 5 cấu phần chính gồm xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp thiết bị; du lịch cộng đồng gắn với xóa đói giảm nghèo; hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông; phát triển nguồn nhân lực du lịch; quản lý và hỗ trợ thực hiện dự án.

Tại khu vực miền Trung, dự án được thực hiện ở 3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình với tổng nguồn đầu tư 4,586 triệu USD, đến thời điểm này hầu hết các cấu phần dự án đã triển khai gần như hoàn thành ở các tỉnh với mức giải ngân 72% ở tỉnh Quảng Bình, 62% ở tỉnh Quảng Trị và 75% ở tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, đến tháng 11/2013, đã hoàn thành 58/61 hoạt động của dự án với mức giải ngân 426 ngàn USD và vốn đối ứng của địa phương 73 ngàn USD. Trong đó, về đầu tư cơ sở hạ tầng đã hoàn thành 2 nhà nghỉ cộng đồng và công trình Trung tâm thông tin Du lịch A Lưới cùng với các hạng mục hạ tầng phụ trợ cho hoạt động du lịch cộng đồng. Dự án cũng triển khai các hoạt động mềm như tập huấn nâng cao năng lực trong hoạt động du lịch, hỗ trợ sản xuất các mặt hàng lưu niệm truyền thống tại các điểm du lịch cộng đồng và hỗ trợ một số tua du lịch cộng đồng tại huyện A Lưới. Theo đánh giá của Ban quản lý dự án tỉnh Thừa Thiên Huế, bước đầu hoạt động du lịch cộng đồng tại các địa bàn thực hiện dự án đã có chuyển biến, mặc dù doanh thu chưa lớn, nhưng tại các điểm du lịch cộng đồng ở huyện A Lưới trong 3 năm qua đã thu hút trên 2000 lượt khách du lịch quốc tế. Việc liên kết hoạt động du lịch giữa các công ty du lịch, lữ hành cũng được lồng ghép triển khai, thời gian qua đã có 24 doanh nghiệp lữ hành tham gia vào hoạt động trong dự án này.

thời gian tới, lãnh đạo các tỉnh cần quan tâm chỉ đạo để đạt hiệu quả cao các hoạt động trong các cấu phần của dự án, xem xét các nguồn vốn đối ứng và hoàn thành các thủ tục bàn giao dự án nhằm phát huy hiệu quả khai thác của các công trình đã đầu tư phục vụ các hoạt động du lịch cộng đồng tại các địa phương. Ban quản lý dự án các tỉnh cần bám sát sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia trong việc rà soát các thủ tục và các kế hoạch thực hiện trong thời gian tới.

Theo thuathienhue.gov.vn

 

Các bài mới
Các bài đã đăng