Được hỗ trợ con giống, tập huấn kỹ thuật nuôi rắn mối thương phẩm, sinh sản của Hội Nông dân TX Hương Trà (TT- Huế), hộ ông Hồ Ngọc Bình ở tổ dân phố 6, phường Hương Văn đã xây dựng mô hình hiệu quả, mở ra hướng chăn nuôi nhiều triển vọng.
Qua 4 tháng thả nuôi 4.000 con giống được mua ở tỉnh Quảng Ngãi và Khánh Hòa, đàn rắn mối đã sinh sản nâng tổng đàn lên hơn 6.000 con và bắt đầu cho thu nhập. Đến nay, trại rắn mối của ông Bình đã xuất bán 2.000 con, loại 30 con/kg có giá thị trường 400.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí, thu lãi chừng 20 triệu đồng.
Thị trường đang có nhu cầu thịt rắn mối rất lớn. Nhiều nhà hàng, khách sạn liên hệ mua sản phẩm của trang trại nhưng ông không đủ để cung cấp. Theo ông Bình, rắn mối rất dễ nuôi, ít vốn, không mất nhiều thời gian chăm sóc. Do là loài động vật bò sát nên rắn mối thường có tập tính phơi mình ngoài nắng. Vì vậy, việc xây dựng chuồng nuôi cần theo dạng hở (nửa nắng, nửa mát) để có bãi tắm nắng cho rắn mối.
Bên trong chuồng dùng gạch ống xếp chồng lên nhau để làm nơi trú ẩn cho rắn mối. Dán gạch men lên phía trong chuồng để trơn, rắn mối không bò lên được. Trong chuồng có thể trồng các loại rau lang, để củi dừa mục, vừa tạo cảnh tự nhiên, vừa tận dụng củi mục con mối chui vào sẽ làm thức ăn cho rắn mối. Phía trên dùng lưới mắt nhỏ rào lại cẩn thận nhằm ngăn chặn các loại động vật săn mồi vào gây hại.
Hiện, ông Bình xây chuồng có kích thước khoảng 100 m2. Nói về kinh nghiệm nuôi dưỡng chăm sóc rắn mối, ông Bình cho biết thêm: “Thức ăn của loài bò sát này rất đa dạng như mối, sâu, dế, châu chấu, cơm nguội, trứng gà, tép... Mỗi ngày cho ăn 1 lần. Ban đêm nên thắp đèn, một mặt tạo hơi ấm, một mặt để dụ các loại côn trùng bay vào làm mồi cho rắn mối.
Nếu chăm sóc tốt, khoảng 3 tháng, rắn mối sẽ bắt đầu sinh sản, mỗi lần có thể sinh từ 5 - 8 con. Mỗi năm, rắn mối đẻ 2 lần, rộ nhất vào tháng 6 và tháng 8. Từ lúc mới nở đến khi bán được khoảng 9 tháng.
Do đó, người nuôi có thể tự nhân giống đàn rắn mối của mình. Đặc biệt, đối với những con rắn mối chuẩn bị sinh sản, nên tách ra chuồng riêng. Sau khi đẻ con xong, lại tách ra để tránh việc rắn mối con bị mẹ ăn thịt”.
Rắn mối là động vật sống hoang dã, để nuôi loại động vật này, người nuôi phải am hiểu về tập tính sống của chúng. Do vậy, để mở rộng mô hình nuôi rắn mối trên địa bàn TX Hương Trà, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TX cho biết: Hội đang phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiếp tục mở các lớp tập huấn kỹ thuật cho bà con và hướng đến nuôi rắn mối theo hướng thịt, trứng, con giống nhằm phát triển chăn nuôi ổn định và bền vững.
Cùng với phong trào gây nuôi các loài động vật hoang dã đem lại thu nhập và hướng đi mới cho nông dân TT-Huế như nuôi chồn hương, kì đà, ba ba, nhông... thì nghề nuôi rắn mối cũng đã bước đầu được thử nghiệm thành công. Chăn nuôi dễ dàng, đầu ra thuận lợi và mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Theo nongnghiep.vn