Là hai địa phương có diện tích rừng chiếm hơn 50% trên địa bàn toàn tỉnh nhưng người nông dân ở hai huyện miền núi A Lưới và Nam Đông của tỉnh Thừa Thiên Huế không có rừng để trồng, phải đi làm thuê. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, Báo PLVN đã có cuộc trò chuyện với ông Võ Văn Dự - Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ông Dự cho biết: Trong những năm qua, được sự hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, vùng dân tộc và miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những chuyển biến tích cực. Hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nước sạch... được đầu tư tương đối đồng bộ, nhà ở hầu hết được hỗ trợ xây dựng khang trang, nhiều chính sách đất đai, hỗ trợ phát triển sản xuất đã góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho đồng bào miền núi.
Ai đã từng đến vùng miền núi Thừa Thiên Huế từ năm 2000 trở về trước, nay trở lại đều cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt. Mặc dù vậy, đây vẫn là vùng còn nhiều khó khăn. Tổng số hộ nghèo hiện còn 2.697 hộ (chiếm 14,06%) và tỷ hệ hộ cận nghèo là 2.028 (chiếm 10,57%). 13 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, từ 20% trở lên đều ở 2 huyện miền núi này.
Đa số người dân cho rằng họ không cần Nhà nước cứu trợ, giúp đỡ gạo, tiền mà tạo cho họ có đất rừng để làm ăn lâu dài. Vậy, chính sách giao rừng cho nông dân miền núi được tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện như thế nào?
- Hậu quả của đói nghèo dẫn đến nguyên nhân là cư dân trên địa bàn từ lén lút đến công khai phá rừng trái phép để lấy gỗ, làm nương rẫy dưới nhiều hình thức. Tuyệt đại bộ phận người dân ở miền núi là nông dân, mà nông dân muốn giàu, trước hết phải có tư liệu sản xuất. Nhưng hiện nay, mặc dù tỉnh đã có chủ trương giao đất rừng cho nông dân nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nguyện vọng của bà con.
Tính đến năm 2012, các hộ gia đình được giao và quản lý 35.373ha rừng trồng, chiếm tỷ lệ 42% và khoảng 8.000ha cao su, chiếm tỷ lệ 90% diện tích cao su toàn tỉnh. Từ năm 2004 trở lại đây, thông qua thực hiện chính sách giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào nghèo, hầu hết người dân thiếu đất sản xuất đã giải quyết đáp ứng các nhu cầu tối thiểu. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận nông dân thiếu đất trồng rừng và nhiều lý do khác nhau như do nhận thức, do đã được giao đất trồng rừng sau đó lại bán đi, do bị thu hồi và chuyển mục đích sử dụng lại muốn nhận tiền hoặc chưa nhận được đền bù về đất...
Để giúp người dân, nhất là ở miền núi có rừng để quản lý lâu dài và hưởng lợi, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 430/QĐ –UBND ngày 02/3/2010 phê duyệt Đề án giao rừng, cho thuê rừng giai đoạn 2010 -2014. Theo đó, tỉnh sẽ tiến hành giao mới hoặc hoàn thiện thủ tục để giao 44.418 ha rừng tự nhiên cho các hộ, nhóm hộ hoặc cộng đồng dân cư. Trong số này, đa số là rừng tự nhiên quy hoạch là rừng sản xuất và là rừng nghèo kiệt. Đến nay, huyện A Lưới đã hoàn tất mọi thủ tục và tiến hành giao 15.690ha rừng tự nhiên, trong đó có 9.625ha rừng sản xuất; huyện Nam Đông giao khoảng 6.756ha chủ yếu là rừng tự nhiên nghèo kiệt thuộc quy hoạch sản xuất cho hộ và nhóm hộ gia đình hoặc cộng đồng dân cư.
Có ý kiến cho rằng rừng tại Thừa Thiên Huế tập trung về tay các đại gia và người có chức, có tiền. Vậy, sự thực là như thế nào, thưa ông?
- Theo thông tin tôi biết, có một số doanh nghiệp đã tích tụ đất trồng rừng hàng trăm hécta nhờ mua lại quyền sử dụng đất của các hộ nông dân hoặc thuê đất của Nhà nước ở những nơi sản xuất còn rất khó khăn mà tại thời điểm đó, người dân chưa có điều kiện tổ chức sản xuất. Một số trường hợp khác đã xin chính quyền địa phương khai hoang đất để trồng rừng cách đây hàng chục năm, vào thời điểm Nhà nước đang khuyến khích mọi người dân trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc và lúc bấy giờ, hầu như chưa ai quan tâm đến việc trồng rừng. Còn nói việc rừng về tay người có chức, có tiền thì cần phải điều tra, xác minh cụ thể mới kết luận được rừng vào tay ai, có đúng với chủ trương giao đất, giao rừng của Chính phủ không để có hướng xử lý.
Trước thực trạng trên, Ban Dân tộc đã tham mưu cho chính quyền như thế nào để họ thực sự là những người chủ rừng để xóa nghèo?
- Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã đặc biệt khó khăn. Theo đó, đến nay huyện A Lưới đã khảo sát cụ thể và xác định nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất của 10/21 xã, thị trấn là 429 hộ/500,7ha; các xã còn lại đang tiến hành rà soát; tính chung nhu cầu toàn huyện là trên 1.000ha đất sản xuất. Ở huyện Nam Đông có khoảng hơn 1.000 hộ thiếu đất sản xuất, trong đó hộ nghèo và cận nghèo chiếm khoảng 70%. Các huyện còn lại đang tiến hành rà soát.
Dự kiến đầu năm 2014, Ban Dân tộc sẽ phối hợp với các ngành cấp tỉnh và chính quyền các địa phương để triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135, Chương trình nông thôn mới, các chương trình dự án khác để đầu tư cho người dân sử dụng có hiệu quả như trồng mây, nuôi ong, chăn nuôi gia súc, gia cầm... hoặc tiến hành cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt là rừng sản xuất để trồng rừng kinh tế theo Thông tư 23/2013/TT- BNNPTN ngày 04/05/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo Báo Pháp luật