Trong những năm gần đây, phong trào nông dân sản xuất giỏi được phát triển và nhân rộng trên địa bàn phường An Tây, người nông dân đã mạnh dạn đầu tư vào các mô hình trang trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt đặc biệt là mô hình nuôi cá nước ngọt kết hợp nuôi chim cút, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp nhằm phát triển kinh tế gia đình, đem lại lợi ích cho xã hội.
“Với địa hình không bằng phẳng, với hơn 2/3 diện tích là đồi núi nên An Tây có có đủ điều kiện để phát triển mô hình nuôi cá nước ngọt kết hợp với nuôi chim cút và trồng cây ăn quả, cây công nghiệp. Từ vài hộ nuôi nhỏ lẻ ban đầu, đến nay, toàn phường có hơn hộ 25 hộ tham gia mô hình với tổng diện tích ao hồ trên 7 ha. Mô hình này không chỉ giúp tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, mô hình này còn góp phần nâng cao năng suất cây trồng, cải thiện bữa ăn hàng ngày cho nông dân”. Đó là chia sẻ của ông Châu Viết Tiệp – chủ tịch Hội nông dân phường An Tây.
An Tây là nơi có nhiều diện tích đất được người dân cải tạo làm ao nuôi Trước đây, nhân dân trong phường chủ yếu làm thuê để kiếm sống nên đời sống bấp bênh, chất lượng cuộc sống rất thấp. Với quyết tâm vươn lên làm giàu từ mảnh đất của mình, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, bà con nơi đây đã đầu tư đào ao nuôi cá, bắt đầu từ một vài hộ nhỏ lẻ, sau một vài năm, thấy được hiệu quả từ mô hình này, nhiều hộ dân đã đầu tư đào ao, mở rộng diện tích nuôi cá. Người dân ở đây chủ yếu nuôi các loại như cá: chép, cá trôi, trắm cỏ, rô phi, cá mè… bởi các loại cá này rất dễ nuôi, ít bệnh tật. Tuy nhiên chỉ nuôi cá thôi thì hiệu quả kinh tế không cao, cá phát triển chậm. Thấy được điều đó, với mục đích lấy ngắn nuôi dài, các hộ dân đã mở rộng chuồng trại, đầu tư nuôi thêm chim cút. Ngoài thức ăn tổng hợp dạng viên có sẵn, bà con còn tận dụng thêm phân của chim cút để làm thức ăn cho cá. Nhờ vậy đã giảm được một phần chi phí trong chăn nuôi, và hiệu quả kinh tế cũng được nâng cao. Nhằm tận dụng tối đa nguồn lực đất đai, người dân đã đầu tư trồng các loại cây ăn quả như cam, chanh, măng cụt, sắn và các loại cây công nghiệp như tràm, keo. Từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế của mô hình trang trại này.
Ông Võ Văn Kỳ, chủ một trang trại vui mừng cho biết: “Nhà tôi có gần 1,5ha diện tích ao hồ và diện tích trồng cây, thu nhập từ hằng năm từ mô hình này khoảng gần 200 triệu đồng. Ngoài ra, có dự án nuôi lợn giống F1, gia đình tôi đã đầu tư nuôi 60 con và đã cho gia đình tôi hiệu quả kinh tế cao. Nhờ mô hình này, đến nay tôi đã có được ngôi nhà khang trang để ở, con cái được học hành đầy đủ, đó là điều nếu đi làm thuê như trước quả thật tôi không dám nghĩ đến”. Cũng theo ông Kỳ, mô hình này dể thực hiện vì nó có nhiều cái lợi như: cá dể nuôi, ít bệnh tật, có đầu ra, chim cút cũng ít bệnh, lợi ích cao. phân chim có thể dùng làm thức ăn cho cá, chim nuôi lấy trứng, tỷ lệ sinh sản cao, chim già thì có thể làm chim thương phẩm. Đó là điểm nổi bật của mô hình này so với các mô hình trang trại khác.
Mô hình kinh tế trang trại đã và đang trở thành mô hình kinh tế chủ đạo trong định hướng phát triển kinh tế của phường An Tây. Mô hình này đã và đang góp phần nâng coa đời sống cho người nông dân ngày. Ông Châu Viết Tiệp cho biết thêm: “Để góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế của mô hình kinh tế nuôi cá nước ngọt kết hợp với nuôi chim cút, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, hằng năm, Hội nông dân phường thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nhằm giúp các hộ ứng dụng khoa học kỹ thuật một cách có hiệu quả vào chăn nuôi và trồng trọt nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân”.
Đến nay, người dân An Tây đang ngày ngày bám vào mảnh đất quê hương để phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Phương Anh - Tuyết Lan