Kinh tế và phát triển
Quảng Điền: Nhân rộng mô hình chăn nuôi gà, lợn sử dụng đệm lót sinh học
09:51 | 26/12/2013

Giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi là vấn đề đang được các cấp, các ngành và các hộ dân trên địa bàn huyện Quảng Điền triển khai thực hiện, nhất là trong chăn nuôi lợn và gà. 

Quảng Điền: Nhân rộng mô hình chăn nuôi gà, lợn sử dụng đệm lót sinh học

Theo đó, trong năm 2013, Trạm khuyến nông - lâm- ngư huyện đã triển khai thực hiện nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học ở xã Quảng Phước, từ thành công của mô hình này, hiện  đang được triển khai nhân rộng ở 07 xã trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, huyện Quảng Điền cũng chú trọng vận động các chủ chăn nuôi lợn sử dụng hầm khí sinh học biogas để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi lợn.

Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn và gà; năm 2013, Trạm khuyến nông - Lâm - Ngư huyện Quảng Điền đã triển khai thực hiện mô hình nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học. Mô hình được triển khai thực hiện ở xã Quảng Phước, với 04 hộ tham gia. Các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50% con giống, 30% thức ăn và thuốc thú y, cũng như được tập huấn về kỹ thuật nuôi gà theo hướng an toàn sinh học. Nuôi gà có sử dụng đệm lót sinh học rất dễ làm. Người nuôi chỉ cần trộn nguyên liệu là trấu, cám gạo, cùng men vi sinh BALASA N01. Thời gian nuôi 04 tháng, gà phát triển tốt,  tỷ lệ hao hụt thấp, các hộ tham gia mô hình đều có lãi cao, bình quân mỗi hộ lãi 2,3 triệu đồng. Đặc biệt sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà có tác dụng rất tốt, gà ít bị dịch bệnh, mùi hôi của phân gà được xử lý.

Theo ông Trần Thương - người dân thôn Phước Lý, xã Quảng Phước tham gia mô hình nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học cho biết: "Nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học có rất nhiều ưu điểm, trước hết là giảm được mùi hôi của phân gà ảnh hưởng đến môi trường sống; đồng thời, giúp gà phát triển tốt, chế phẩm đã hạn chế được dịch bệnh nên gà có sức đề kháng cao, trong suốt thời gian nuôi dịch bệnh không xuất hiện trên đàn gà và hiệu quả kinh tế mang lại khá cao cho nông dân chúng tôi".

Từ thành công của mô hình nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học ở xã Quảng Phước, Trạm khuyến Nông - Lâm - Ngư huyện Quảng Điền đang tiếp tục triển khai nhân rộng ở 07 xã trên địa bàn huyện gồm: Xã Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Vinh, Quảng Công, Quảng An, Quảng Thành và Quảng Phước. Theo đánh giá bước đầu của các hộ tham gia nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học cho biết, mặc dù gà mới đưa vào thả nuôi khoảng 15 ngày nhưng phát triển tốt, giúp người chăn nuôi đỡ tốn công trong công tác làm vệ sinh chuồng trại hàng ngày; đồng thời do kết hợp trấu với chế phẩm sinh học BALASA N01 nên đã giảm thiểu được mùi hôi từ phân gà, đây là vấn đề mà người chăn nuôi thường gặp khó khăn.

Mô hình nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học đã mở ra thành công, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi như: giảm ô nhiễm môi trường, giảm công lao động, giảm tiền điện nước. Ngoài ra, nuôi gà trên nền đệm lót giúp đàn gà tăng trọng nhanh hơn, giảm tỷ lệ mắc bệnh, giảm tỷ lệ chết, từ đó tăng thu nhập cho người dân và từng bước giúp chăn nuôi của huyện phát triển bền vững.

Cùng với thành công từ mô hình nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học, trong năm 2013, Trung tâm Khuyến Nông - Lâm - Ngư tỉnh cũng đã triển khai thực hiện mô hình nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh học ở xã Quảng Phước với 10 hộ dân tham gia thực hiện mô hình. Mỗi hộ đưa vào nuôi 09 con lợn thịt. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật nuôi và một phần con giống, chi phí thức ăn. Nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh học đòi hỏi kỹ thuật phức tạp hơn so với nuôi gà từ khâu chuồng nuôi phải đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật, sử dụng trấu, mùn cưa trộn với chế phẩm BALASA NO1 theo đúng tỷ lệ suốt cả quá trình nuôi. Đến nay, sau 1,5 tháng đưa vào thả nuôi, theo các hộ tham gia mô hình này ở xã Quảng Phước cho biết: nuôi lợn sử dụng đệm lót sinh học đã giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, nhất là các hộ chăn nuôi nông hộ, hạn chế được mùi hôi, do đó lợn luôn sạch sẽ, lợn ăn nhiều, sức đề kháng tốt và tăng trọng nhanh.

Trao đổi thêm với chúng tôi về việc triển khai mô hình nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học, chị Dương Thị Kim Oanh - Cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến Nông-Lâm-Ngư huyện cho biết như sau: "Mô hình nuôi gà sử dụng đệm lót an toàn sinh học ở xã Quảng Phước thành công đã góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi như: giảm ô nhiễm môi trường, giảm công lao động, giảm tiền điện, nước. Ngoài ra, nuôi gà trên nền đệm lót giúp đàn gà tăng trọng nhanh hơn, giảm tỷ lệ mắc bệnh, giảm tỷ lệ chết, từ đó tăng thu nhập cho người dân. Từng bước giúp ngành chăn nuôi của huyện phát triển bền vững. Mô hình này có thể triển khai nhân rộng trên các loại vật nuôi khác như chim cút, bồ câu lai Pháp".

Hiện nay, cùng với việc chú trọng vận động các chủ chăn nuôi trang trại, gia trại sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi lợn, gà, huyện Quảng Điền tiếp tục khuyến khích các hộ dân phát triển chăn nuôi lợn theo hướng thân thiện với môi trường, sử dụng hầm khí sinh học biogas trong chăn nuôi. Trong thời gian qua, thông qua các chương trình, dự án về giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, các hộ dân xây dựng hầm khí sinh học Biogas được huyện Quảng Điền hỗ trợ từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng để xây dựng hầm khí khoảng 05 đến 07 m3. Tuy nhiên, trong thực tế thì các hộ dân đều đầu tư thêm kinh phí để xây dựng hầm khí có dung tích từ 12-15 m3 để đảm bảo lượng khí gas cho việc nấu nướng.

Theo đánh giá của nhiều hộ đã sử dụng hầm biogas, với những gia đình chăn nuôi lợn số lượng nhiều từ 10 đến 20 con lợn, nguồn phân dồi dào, công trình biogas sẽ giải quyết rất tốt vấn đề xử lý phân thải của lợn. Khí biogas cung cấp nguồn nguyên liệu khí đốt phục vụ cho việc đun nấu và thắp sáng cho người nông dân.

Theo anh Hoàng Trung Thông-cán bộ Trạm khuyến Nông-Lâm-Ngư huyện Quảng Điền cho biết: "Hiện nay, toàn huyện có khoảng 550 hộ chăn nuôi lợn có sử dụng hầm khí biogas. Sử dụng hầm biogas trong chăn nuôi là giải pháp mang lại hiệu quả kinh tế cao, trước tiên là giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường thường hay xảy ra ở các khu dân cư do chất thải của lợn; đồng thời giúp cho người nông dân có chất đốt phục vụ hàng ngày mà không phải mất tiền".

Từ thực tế cho thấy, việc phát triển chăn nuôi theo hướng bảo vệ môi trường tại Quảng Điền tạo ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho địa phương. Trong thời gian tới, Trạm khuyến Nông- Lâm-Ngư huyện tiếp tục kêu gọi các dự án hỗ trợ người dân về kỹ thuật cũng như kinh phí xây dựng hầm biogas. Đồng thời, khuyến khích bà con tự xây dựng hầm biogas và nhân rộng mô hình nuôi gà, lợn sử dụng đệm lót sinh học.

 

Theo Ngọc Kim (UBND Quảng Điền)


 

Các bài mới
Các bài đã đăng