Kinh tế và phát triển
Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể cụm công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015, định hướng đến năm 2020
08:31 | 14/01/2014

Ngày 13/01, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao vừa ký ban hành Quyết định số 83/QĐ-UBND về Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. 

Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể cụm công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2015, định hướng đến năm 2020
Cụm công nghiệp Hương Sơ, thành phố Huế

Theo đó, điều chỉnh từ 20 CCN xuống còn 10 CCN với tổng diện tích 353ha, loại bỏ 06 CCN, nhập vào các Khu công nghiệp (KCN) 04 CCN.

10 cụm công nghiệp gồm: CCN Hương Sơ, thành phố Huế 48 ha, được điều chỉnh quy mô từ 100ha xuống 48ha; CCN Thủy Phương, thị xã Hương Thủy 75ha; được điều chỉnh quy mô từ 100ha xuống 75ha; CCN Tứ Hạ, thị xã Hương Trà 55ha; CCN Bình Điền, thị xã Hương Trà 30ha; CCN Bắc An Gia, huyện Quảng Điền 25ha; CCN Điền Lộc, huyện Phong Điền 30ha; CCN Thuận An, huyện Phú Vang 20ha; CCN Vinh Hưng, huyện Phú Lộc 20ha; CCN A Co, huyện A Lưới 30ha; CCN Hương Hòa, huyện Nam Đông 20ha.

04 CCN nhập vào các Khu công nghiệp (KCN) gồm: CCN Phú Đa, nhập vào KCN Phú Đa; CCN Hòa Bình Chương, nhập vào KCN Phong Điền; CCN Phong Điền, nhập vào KCN Phong Điền; CCN La Sơn, nhập vào KCN La Sơn.

06 CCN bị loại bỏ gồm: CCN Thủy Vân, thị xã Hương Thủy;CCN Thủy Châu, thị xã Hương Thủy; CCN Phú Mỹ, huyện Phú Vang; CCN Quảng Phú, huyện Quảng Điền; CCN Quảng Lợi, huyện Quảng Điền; CCN Hương Phong, huyện A Lưới.

Quy hoạch cũng đề ra lộ trình thực hiện và nguồn vốn đầu tư cho từng giai đoạn. Cụ thể đến năm 2015, cơ bản lập xong qui hoạch chi tiết các CCN trên địa bàn tỉnh; phấn đấu đầu tư cơ sở hạ tầng 212,4 ha (đạt 55,4%) trở lên; hoàn thành việc di dời, sắp xếp lại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nằm xen lẫn trong các khu dân cư vào sản xuất tập trung trong các CCN. Dự kiến, nguồn vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng CCN giai đoạn 2012-2015 là 244,15 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 335,63 tỷ đồng. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định 1994) của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong CCN đến năm 2015 đạt 1.112 tỷ đồng, đến năm 2020 đạt 2.668 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao, việc điều chỉnh Quy hoạch tổng thể CCN là nhằm phát triển CCN phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp của tỉnh, gắn liền với việc phát triển các trung tâm kinh tế, các khu công nghiệp, chiến lược phát triển dịch vụ và xúc tiến thương mại. Đồng thời, tuân thủ các nguyên tắc tách biệt với khu dân cư, có sở hạ tầng thuận lợi, gắn với vùng nguyên liệu và nguồn lao động của địa phương. Ngoài ra, việc điều chỉnh cũng là để tạo điều kiện cho các CCN phát triển sản xuất kinh doanh, huy động được mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế để xây dựng hạ tầng CCN, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp trên cơ sở sử dụng đất hiệu quả và bảo vệ môi trường. Qua đó, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển công nghiệp nông thôn theo hướng tiếp cận với kỹ thuật sản xuất tiên tiến, nâng cao trình độ công nghệ. Hình thành những sản phẩm chủ lực có thương hiệu uy tín gắn liền với lợi thế địa lý, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương cũng như hình thành một số ngành công nghiệp phụ trợ để tạo đà thúc đẩy các ngành công nghiệp chế biến sâu, tạo sức cạnh tranh trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

 


Theo thuathienhue.gov.vn


 

Các bài mới
Các bài đã đăng