Kinh tế và phát triển
Đổi thay ở A Bung
08:36 | 25/01/2014

Trong tiết trời nắng ấm của một ngày đầu xuân 2014, chúng tôi vượt hơn 100 cây số để lên với bản làng A Bung, thuộc xã Nhâm, huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế). So với những năm trước đây, A Bung hôm nay đã đổi khác rất nhiều. Người dân giờ không còn lo sợ cái đói, không còn sống chung với những tập tục lạc hậu mà thay vào đó là sự lao động cần mẫn để thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Đổi thay ở A Bung


Lên A Bung hôm nay, những con dốc khúc khuỷu, lầy lội 5 năm về trước giờ đã được thay bằng con đường bê tông to lớn để ưu tiên các loại xe tải 4 bánh vượt đường trường đưa cà phê, chuối cùng nhiều loại hàng hóa là “đặc sản” của bà con dân bản về xuôi tiêu thụ và ngược lại.

Từ đầu bản, chúng tôi không phải vất vả lắm để tìm đường về nhà của già Quỳnh Nhất (64 tuổi, người dân tộc Tà Ôi), Trưởng bản A Bung. Già Nhất chính là một trong số ít cựu chiến binh ở vùng cao A Lưới được TW lẫn chính quyền địa phương trao tặng nhiều phần thưởng cao quý trong công tác xóa đói giảm nghèo khi ông có công lớn làm thay đổi bản làng A Bung như hôm nay.
Bên chén rượu đoác (một loại rượu quý được lấy từ cây đoác của người Tà Ôi - PV) trong ngày đầu xuân mới, già Nhất nhâm nhi cốc rượu rồi tâm sự nỗi lòng: Suốt hơn nửa thế kỷ trước, bà con Tà Ôi đã bám vùng biên giới Việt-Lào để sống cuộc đời du canh du cư. Bao nhiêu năm, cái ăn phải phụ thuộc vào cây măng, cây sắn cùng con chim, con thú trong rừng nên bà con không thể làm giàu nổi.

“Là người được giác ngộ lý tưởng cách mạng, được học nhiều điều hay từ các cán bộ nên già với một số cựu chiến binh nhận ra rằng, bà con dân bản không thể sống cuộc đời “nay đây mai đó” mãi được. Thế rồi, sau nhiều lần đi thăm dò các vùng đất mới chưa có người ở, cuối cùng chúng tôi quyết định chọn vùng A Ló màu mỡ để thành lập bản A Bung”, đôi mắt nhìn xa xăm, già Nhất hồi tưởng lại những năm tháng gian khổ.

Về vùng đất mới, người dân A Bung đã ngày đêm cần mẫn khai hoang, vỡ đất để biến các khu đồi nham nhở hố bom, hố đạn do chiến tranh thành nương rẫy phì nhiêu khoai sắn. Khi có đủ cái ăn, cái mặc, dân bản A Bung còn biết tận dụng đất đồi để phát triển kinh tế.

Dẫn chúng tôi ra mảnh vườn cà phê rộng hơn 1,5ha đang cho nụ xanh mơn mởn, già Nhất cười tươi cho hay: “Năm 1997, khi huyện nhà có chủ trương trồng cà phê thoát nghèo, vì sợ giống cây lạ không hợp với đất rừng nên không một bà con nào dám nhận. Nói thật, lúc đó già cũng không biết cái cây cho quả bé tí bằng ngón tay này có giá trị kinh tế như thế nào nhưng vẫn xung phong nhận hơn 200 gốc trồng thử. Thế mà chỉ mấy vụ sau, rẫy cà phê ấy đã cho thu hoạch lứa đầu tiên với năng suất gấp 5 - 7 lần cây ngô, cây sắn. Thấy vậy, gần 70 hộ dân ở bản mới quyết định chọn cây cà phê để làm giàu...”.

Từ cảnh “tay trắng”, giờ đây hàng trăm hộ dân ở A Bung không chỉ có từ 1 đến 3ha cà phê/hộ mà bà con còn biết cách trồng lúa nước trên... rẻo cao. Chính già Nhất đã tiên phong chọn cây lúa nước đem về bản và hướng dẫn bà con trồng thử. Ngoài sản lượng cà phê đạt khoảng 15 tấn/1 ha, hiện “gia sản” cuả già Nhất còn có 10 sào ruộng nước; hơn 1.000 gốc chuối lùn và hàng ngàn gốc quế với thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho công cuộc “cách mạng” làm kinh tế theo hướng đa cây đa con của đồng bào dân tộc Tà Ôi.

Kinh tế ngày một đi lên cũng đồng nghĩa với việc những tập tục lạc hậu, tín ngưỡng dị đoan của người Tà Ôi ở bản A Bung dần được loại bỏ ra khỏi đời sống. Thế nhưng, mấy ai biết được rằng, để có được thành quả ấy, già Nhất đã cùng các cán bộ, chiến sĩ Công an xã Nhâm; Đồn Biên phòng Nhâm... lặn lội đến từng hộ dân để tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhất là công tác vận động không để con trẻ bỏ học để lên rẫy, lên nương theo bố mẹ; không để người ốm nằm ở nhà điều trị bằng cách cúng vái, “nhờ vả” thần linh... Nhờ thế mà đến nay, tình hình ANTT ở bản A Bung được bảo đảm tuyệt đối, không bị những kẻ xấu lợi dụng để tuyên truyền các hoạt động chống phá.

Trao đổi cùng chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Minh Đức, Trưởng Đồn biên phòng Nhâm cho hay: “Nhờ Nhà nước có những chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số nên đến nay, về cơ bản, người dân Tà Ôi ở bản A Bung đã thoát được nghèo khó. Thậm chí, có nhiều hộ còn trở thành triệu phú khi biết cách làm kinh tế giỏi, điển hình là Trưởng bản Quỳnh Nhất. Bên cạnh đó, người dân còn phối hợp với lực lượng chức năng bảo vệ rừng, bảo vệ biên giới, giữ gìn ANTT địa bàn vùng cao...”.

Rời A Bung lúc xế chiều, nhìn những đồi cà phê là thành quả của người dân Tà Ôi sau hơn 10 năm lao động miệt mài dần khuất sau lưng mà chúng tôi không khỏi vui mừng trước sự đổi thay to lớn của bản làng A Bung hôm nay. Và nói như Trưởng bản Quỳnh Nhất: “Không gì là không thể. Có sức người, sỏi đá ắt sẽ thành cơm thôi!”

Theo Lê Anh (CAND)
 

Các bài mới
Các bài đã đăng