(SHO) Vùng trồng mía Cẩm Tân của xã Quảng Phú là vùng nông nghiệp trọng điểm của huyện Quảng Điền gần đây. Vài năm trước, mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, trong vụ mía năm 2013 - 2014, mía đã đến kỳ thu hoạch từ trước tết Nguyên đán Giáp Ngọ nhưng thị trường tiêu thụ không ổn định, giá mía giảm hơn một nửa khiến người trồng mía hết sức lao đao.
Xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền có đất đai khá phì nhiêu để phát triển lúa và các loại cây công nghiệp ngắn ngày như: Ngô, lạc, các loại rau đậu... 5 năm trở lại đây, xã Quảng Phú vận động nông dân chuyển đổi 45 ha đất trồng kém hiệu quả sang trồng Mía Cẩm Tân. Mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế, bình quân mỗi gia đình thu nhập từ 20 đến 50 triệu đồng/ năm từ trồng mía.
Trong vụ mía 2013-2014, phải đối mặt với ảnh hưởng của các đợt bão lụt, mưa rét kéo dài gây gãy đổ và thiệt hại nhiều diện tích mía, người nông dân tốn nhiều công chăm sóc và đầu tư; thế nhưng vào kỳ thu hoạch thì không có thị trường tiêu thụ nên nhiều người không bán mía được. Một trong những nguyên nhân là do mưa lạnh kéo dài.
Toàn xã Quảng Phú hiện chỉ thu hoạch khoảng 10 ha, còn 35 ha vẫn chưa bán được. Lợi dụng tâm lý của người dân muốn bán mía nên tư thương cũng ra sức ép giá. Hiện giá bán bình quân 1 sào mía khoảng 4 đến 5 triệu đồng, chưa bằng một nửa so với những năm trước đây.
Những năm trước, Mía ở đây được các hộ tư thương về mua tận các ruộng, thị trường tiêu thụ kéo dài từ Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi… Mỗi sào mía cho thu nhập bình quân từ 10 đến 14 triệu đồng, người nông dân lãi từ 5 đến 7 triệu đồng/ sào.
Theo một cán bộ xã Quảng Phú, mía Cẩm Tân cho thu nhập rất cao từ 180 đến 200 triệu đồng/ha. Do thị trường tiêu thụ không ổn định, xã vận động bà con không mở rộng diện tích nhằm đảm bảo thị trường, tránh tình trạng trồng nhiều, không có nơi tiêu thụ dẫn đến tư thương ép giá, gây thua lỗ. Trong vụ trồng mía năm 2014 này, bà con nông dân giảm diện tích trồng mía xuống còn 35 ha và tiếp tục nâng cao chất lượng.
Mía Cẩm Tân Quảng Phú rất ngọt và thơm ngon do được trồng ở đất bồi ven sông Bồ. Hiện nay, nhiều hộ dân muốn bán để sau đó chuyển đổi sang trồng lạc theo mô hình luân canh trong việc trồng mía và các loại cây trồng khác.
GIa Hôi