Kinh tế và phát triển
Ðể có nguồn nhân lực chất lượng cao ở Thừa Thiên - Huế
08:10 | 20/02/2014

Tỉnh Thừa Thiên - Huế có hệ thống đào tạo nghề được đầu tư khá quy mô, song chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Ðể có nguồn nhân lực chất lượng, đội ngũ lao động có tay nghề cao các trường dạy nghề và doanh nghiệp cần có sự liên kết, hợp tác để nâng cao chất lượng lao động cho địa phương và cả khu vực miền trung.

Ðể có nguồn nhân lực chất lượng cao ở Thừa Thiên - Huế
Giờ thực hành nghề điện tại Trung tâm dạy nghề TP Huế.

Thiếu lao động kỹ thuật cao

Thừa Thiên - Huế hiện có năm trường cao đẳng nghề, sáu trường trung cấp nghề cùng 40 trung tâm, trường nghề công lập và dân lập với nhiều hình thức đào tạo, liên thông lên cao đẳng, đại học. Trong đó, có năm nghề trọng điểm và Trường cao đẳng Công nghiệp Huế được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là trường trọng điểm quốc gia. Các nghề trọng điểm trên địa bàn được đầu tư thích đáng với hơn 200 tỷ đồng xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ giáo viên... Riêng năm học 2012-2013, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế được Bộ Công thương đầu tư xây dựng nhà xưởng X1 và hệ thống khai thác, xử lý, cung cấp nước sạch với tổng mức đầu tư hơn 51 tỷ đồng. Các trường trung cấp nghề, ngoài sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, cũng đã tranh thủ nhiều dự án từ các tổ chức nước ngoài để mua sắm trang thiết bị đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Trong 10 năm trở lại đây, có 48% số lao động của Thừa Thiên - Huế đã qua đào tạo nghề. Tuy nhiên, số lao động muốn học nghề ngắn hạn để có việc làm nhanh vẫn chiếm ưu thế. Những năm gần đây, có đến 84% số lao động học sơ cấp nghề và học nghề dưới ba tháng, trung cấp nghề chiếm tỷ lệ 14% và cao đẳng nghề lại quá ít, chỉ có 1,79%. Thực trạng này dẫn đến hiệu quả khai thác cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề ở các cơ sở trường nghề chưa tương xứng với quy mô đầu tư. Trong khi đó, doanh nghiệp lại thiếu đi nguồn nhân lực chất lượng, tinh thông nghiệp vụ. Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Thừa Thiên - Huế Trần Nam Lực cho biết: "Trang thiết bị dạy nghề của nhà trường được đánh giá là hiện đại, đáp ứng nhu cầu giảng dạy những nghề tiên tiến hiện nay. Sau đào tạo, có đến 90% số học viên có việc làm với nhiều nghề khác nhau, có mức thu nhập ổn định, nhất là lao động có tay nghề. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đến tuyển dụng lao động ở các nghề hàn, điện... nhưng trường không cung ứng đủ vì vẫn khó tuyển sinh".

Với xu hướng học nghề như hiện nay, các nhà quản lý lao động tính toán, trong vòng 10 năm tới, Thừa Thiên - Huế cần có chiến lược đào tạo nghề cho lao động có trình độ cao đẳng trở lên là 17% và giảm đào tạo nghề sơ cấp xuống còn 45% mới có thể bắt kịp hướng phát triển của tỉnh. Một nguồn nhân lực chất lượng cao để bảo đảm sự tăng trưởng cho doanh nghiệp đang là vấn đề bức xúc trong tiến trình hội nhập.

Cần liên kết giữa doanh nghiệp và trường nghề

Chính thực tế đào tạo nghề theo nhu cầu của người lao động hiện nay đã dẫn đến chưa tạo được nguồn nhân lực có trình độ cao phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn tại địa phương, nhất là các khu công nghiệp, khu kinh tế và xuất khẩu lao động. Không ít doanh nghiệp trong ngành cơ khí, tự động hóa, dịch vụ du lịch... rất khó khăn trong việc tìm được nguồn lao động nghề kỹ thuật bậc cao. Phía doanh nghiệp vẫn chưa hài lòng về chất lượng đào tạo khi các trường dạy nghề theo khả năng "cung" chứ chưa chú trọng tới "cầu". Thế nên, nhiều doanh nghiệp đã "giật gấu vá vai" khi tuyển lao động có bằng sơ cấp nghề hoặc sử dụng những người có bằng đại học để đào tạo nghề, kỹ năng... phù hợp với công việc của mình.

Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Huế Cung Trọng Cường, một trong những trường có thương hiệu cung cấp nguồn lao động chất lượng cao cho các doanh nghiệp trên địa bàn cho biết: "Hằng năm, nhà trường gửi nhiều sinh viên đến thực tập tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Từ năm 2009 đến nay, trường đã phối hợp các doanh nghiệp, có biên bản về liên kết đào tạo và tuyển dụng, qua đó đã cung ứng hàng nghìn cán bộ kỹ thuật cho các khu công nghiệp, khu kinh tế...". Tuy nhiên, do hướng tới kỹ năng và thực hành chuyên môn, nghề nghiệp nên cần giáo viên có kinh nghiệm làm việc tại các đơn vị sản xuất hoặc doanh nghiệp với vị trí chuyên môn tương ứng. Thí dụ, giáo viên dạy cơ khí, ô-tô phải có kinh nghiệm làm việc thực tế tại doanh nghiệp cơ khí ô-tô; giáo viên bếp, buồng, nấu ăn phải kinh qua công tác tại khách sạn, nhà hàng. Bên cạnh đó, giáo viên giỏi ở các chuyên ngành kỹ thuật, kinh tế, thương mại... là rất thiếu, do ít có sinh viên giỏi hoặc các chuyên gia giỏi theo đuổi nghề giáo viên. Ðây là những vấn đề đặt ra đối với các trường nghề hiện nay.

hảo sát mới đây của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế cho thấy, các trường nghề và doanh nghiệp chưa có sự gắn kết rõ nét, nhất là việc gắn kết để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, giúp học viên có việc làm ngay sau khi ra trường. Chẳng hạn, đối với các dự án tại Thừa Thiên - Huế cần ký kết hợp đồng cụ thể với các trường nghề với nhu cầu bao nhiêu công nhân có tay nghề, ở những ngành nghề gì... để các trường có kế hoạch tuyển sinh, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp. Trong quá trình đào tạo, các trường nghề cần xây dựng mối quan hệ hợp tác với doanh nghiệp để sinh viên học nghề được tham quan, thực tập tại vị trí người thợ trong quá trình học.

Theo các nhà quản lý, mối quan hệ giữa trường nghề và doanh nghiệp thực sự cần thiết, tránh tình trạng lãng phí cho cả hai bên. Doanh nghiệp có thể tư vấn và hỗ trợ cho nhà trường phương thức đào tạo phù hợp với đơn vị, lại có ngay nguồn nhân lực khi có nhu cầu tuyển dụng. Nhà trường nắm rõ được yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp để đào tạo đúng hướng, người theo học có cơ hội tiếp xúc thực tế thường xuyên để trau dồi kỹ năng, nâng cao tay nghề. Có như vậy với mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp, thiết thực cho người học nghề và bền vững cho trường nghề.

Tạo nguồn nhân lực phù hợp phát triển kinh tế

Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế trong giai đoạn hiện nay là chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Giai đoạn 2011-2020, nhu cầu đào tạo nghề cho Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô là 48.500 lao động và bổ sung lực lượng cho các khu công nghiệp trong tỉnh lên tới 45 nghìn lao động có chất lượng.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thừa Thiên - Huế Nguyễn Xuân Quang với dự báo nhu cầu phát triển kinh tế và nhu cầu nguồn nhân lực trong giai đoạn mới, tỉnh xác định: Ðã đến lúc cần có chiến lược đào tạo nghề sát với sự phát triển của tỉnh; phải có sự đột phá từ dạy nghề theo năng lực đào tạo sẵn có của cơ sở dạy nghề sang dạy nghề theo nhu cầu thị trường lao động và nhu cầu đa dạng của xã hội; đổi mới dạy nghề theo hướng chuẩn hóa, hiện đại và đồng bộ.

Một trong những giải pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn lao động là tăng cường đầu tư, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án tài trợ để huy động nguồn lực cho đào tạo nghề. Các cơ sở dạy nghề cần thực hiện cơ chế tự chủ. Một số chính sách sẽ được xây dựng để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao cho các cơ sở đào tạo nghề. Chẳng hạn, chính sách ưu đãi giáo viên dạy nghề; tạo cơ hội thăng tiến, điều kiện làm việc, cách thức thu hút nhân lực linh hoạt cho người có năng lực. Trong giai đoạn 2011-2020, nguồn kinh phí đầu tư của tỉnh cho công tác dạy nghề sẽ được huy động tới hơn 440 tỷ đồng. Tỉnh sẽ bổ sung 1.255 giáo viên có trình độ đại học, cao đẳng, trong đó có 620 giáo viên cơ hữu phục vụ cho các trường, trung tâm dạy nghề công lập; phấn đấu có 95% số giáo viên dạy nghề đạt chuẩn.

 

Nguồn Nhandan newspaper

Các bài mới
Các bài đã đăng