Sáng ngày 22/02, đoàn công tác Trung ương do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế về đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và thành lập các đơn vi hành chính thuộc thành phố trực thuộc Trung ương. Tham gia với đoàn có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc, đại diện Văn phòng Quối hội và Văn phòng Chính phủ.
Tại buổi làm việc, ông Cái Vĩnh Tuấn, Giám đốc Sở Nội vụ đã báo cáo khái quát đề án xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương, các phương án về tên gọi thành phố và việc thành lập các đơn vị thành chính của thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo đó, căn cứ Nghị định 42/2009/NĐ-CP của Chính phủ về phân loại đô thị, Nghị định 62/2011/NĐ-CP của Chính phủ về thành lập thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, phường, thị trấn; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cho phép tiến hành song song 2 đề án công nhận tỉnh Thừa Thiên Huế là đô thị loại 1 và đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương cũng như căn cứ vào quá trình hình thành, phát triển và hiện trạng các đơn vị hành chính. Trong phương án 1, lấy thành phố Huế hiện tại là đô thị lõi, trên cơ sở 27 phường và sáp nhập thêm phường Thủy Dương, xã Thủy Bằng, Thủy Vân, Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy) và xã Phú Thượng (huyện Phú Vang) để chia thành 3 quận. Đơn vị hành chính mới của thành phố trực thuộc Trung ương gồm 3 quận, 2 thị xã, 6 huyện với 100 xã, 44 phường và 8 thị trấn. Đối với phương án 2 cũng lấy thành phố Huế làm đô thị lõi, sáp nhập thêm phường Hương Hồ, xã Hương Vinh (thị xã Hương Trà); các xã Thủy bằng, Thủy Vân (thị xã Hương Thủy) và xã Phú Thượng (huyện Phú Vang) để chia thành 4 quận. Đơn vị hành chính mới của thành phố trực thuộc Trung ương gồm 4 quận, 2 thị xã, 6 huyện với 101 xã, 43 phường và 8 thị trấn. Do chuyển phường Hương Hồ và xã Hương Vinh (thị xã Hương Trà) về các quận mới thành lập nên 2 xã Hương Phong và Hải Dương không liền kề thị xã Hương Trà phải sát nhập vào địa giới hành chính huyện Quảng Điền.
Cả 2 phương án trên về cơ bản đã đáp ứng các tiêu chuẩn theo Nghị định 62/2011/NĐ-CP của Chính phủ về địa lý hành chính, đô thị và các tiêu chuẩn kinh tế - xã hội như về mật độ dân số, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp, về tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ - du lịch...phù hợp với yếu tố đặc thù về di sản, văn hóa, lịch sử cũng như định hướng phát triển của thành phố trực thuộc Trung ương tương lai có bản sắc riêng là “thành phố sinh thái, cảnh quan, di sản và thân thiện với môi trường”.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao, nếu tính từ năm 1996 khi tỉnh Thừa Thiên Huế lúc đó đã được Quốc Hội xem xét để thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, xuyên suốt thời gian sau đó, căn cứ ví trí địa lý chính trị , tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung nguồn lực phát triển các đô thị cũng như phát huy các yếu tổ đặc thù của vùng đất di sản được thế giới công nhận. Vị thế của Thừa Thiên Huế đối với cả nước ngày càng được khẳng định, năm 2009 Bộ Chính trị đã có Kết luận 48/KL về xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương một lần nữa đã khẳng định tầm quan trọng của Thừa Thiên Huế trong phát triển của khu vực Bắc miền Trung và của cả nước. Trong những năm gần đây, định hướng phát triển của tỉnh là tập trung phát triển Du lịch - Dịch vụ, đây là những lĩnh vực đầy tiềm năng của vùng đất di sản và vị trí địa lý riêng có của Thừa Thiên Huế.
Tại buổi làm việc, các thành viên trong đoàn đã cơ bản nhất trí thành lập các đơn vị hành chính thành phố trực thuộc Trung ương theo phương án 1. Về tên gọi của thành phố trực thuộc Trung ương cũng như đề án công nhận tỉnh Thừa Thiên Huế là đô thị loại 1 và đề án thành lập thành phố trực thuộc trung ương cần phải lấp ý kiến của nhân dân theo pháp lệnh 34/PL về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở để có sự đồng thuận và thống nhất cao trong các tầng lớp nhân dân. Đồng thời Thừa Thiên Huế cần phải làm rõ thành phố Du lịch - Dịch vụ trong tương lai thì hệ thống đô thị phát triển như thế nào, năng lực quản lý đô thị mới đáp ứng ra sao; cần phải bổ sung, đào tạo đội ngũ cán bộ như thế nào...
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc, trong đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế phải khẳng định được vị thế và sự thay đổi về chất của thành phố trong tương lai, đơn cử như khi nói đến thành phố Hải Phòng là người ta biết đến thành phố của cảng và công nghiệp, Thừa Thiên Huế cũng phải đặt ra cho sự phát triển như thế nào của thành phố Di sản và Du lịch.
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho rằng các phương án thành lập các đơn vị hành chính thành phố trực thuộc Trung ương của Thừa Thiên Huế đã đáp ứng các tiêu chuẩn đối với các quy định của đô thị loại 1, của thành phố trực thuộc trung ương và điều 110, Hiến pháp 2013 về thành lập, chia tách đơn vị thành chính trực thuộc Trung ương. Để hoàn thiện đề án, sớm báo cáo Chính phủ và Bộ Chính trị, Thừa Thiên Huế cần phải xem xét tính đồng bộ số liệu giữa 2 đề án công nhận tỉnh Thừa thiên Huế là đô thị loại 1 và đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng với đó là phải có báo cáo đánh giá tác động về kinh tế - xã hội, về thể chế và tác động môi trường sau khi mở rộng thành phố Huế để thành lập các quận của thành phố trực thuộc Trung ương. Nhất là những biến đổi từ mô hình chính quyền nông thôn lên chính quyền đô thị và tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị trong chính quyền đô thị mới. Trên cơ sở đó, những vấn đề nào chưa rõ đề nghị Thừa Thiên Huế cần làm việc với các Bộ, ngành liên quan để có cách nhìn thấu đáo và toàn diện.
Nguồn: thuathienhue.gov.vn