Ngày 5/3, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến đánh giá nhu cầu đào tạo trong ngành du lịch tại Thừa Thiên-Huế.
Thừa Thiên Huế là một tỉnh có tiềm năng, thế mạnh đã được xác định tại Nghị quyết 39/NQ/TW ngày 16/8/2004 của Bộ Chính trị, Quyết định 148/2004/QĐ-TTg ngày 13/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIII. Đó là: Là trung tâm thương mại, dịch vụ, giao dịch quốc tế và là một trong những đầu mối giao thông của khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả nước; Là trung tâm văn hóa - du lịch lớn của cả nước; Văn hóa Huế phong phú và đa dạng, bao gồm: Văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, cảnh quan thiên nhiên, môi trường, trong đó quần thể di tích cố đô Huế và nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO ghi vào danh mục di sản văn hóa thế giới; Có các sản phẩm du lịch đa dạng và chất lượng cao như: Khu du lịch tổng hợp quốc gia Bạch Mã - Lăng Cô - Cảnh Dương - Hải Vân, quần thể di tích cố đô Huế là di sản văn hóa thế giới, nhiều khu du lịch sinh thái ở vùng ven biển, vùng đầm phá, vùng gò đồi và miền núi.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện nay số lao động ngành du lịch có khoảng hơn 33.900 người. Tuy vậy, chất lượng đội ngũ lao động trong ngành du lịch vẫn chưa đồng đều.
Theo ILO, hiện lao động không có bằng cấp, không qua đào tạo của ngành du lịch Thừa Thiên-Huế còn khỏang 18%, lao động đào tạo ngắn hạn khỏang 20%. Còn nhiều lao động thiếu kỹ thuật tay nghề cao, yếu về ngoại ngữ, kỹ năng tiếp thị…
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã đưa ra được nhiều ý kiến, ý tưởng hay, thảo luận để cùng nhau chung sức nâng cao vị thế của ngành du lịch dịch vụ tỉnh TT- Huế thông qua các chương trình, dự án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực một cách cụ thể, thiết thực, hiệu quả phù hợp tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia đối với các nghề thuộc nhóm nghề du lịch.
AĐ