Kinh tế và phát triển
Mùa bông đót của người Hương Thủy
14:16 | 10/03/2014

Cuối đông đến giữa mùa xuân là mùa của bông đót. Đi dọc các thung lũng, đi qua những nẻo đường của đèo dốc, ở đâu, chúng ta cũng dễ dàng nhìn thấy những bông đót vươn lên, phất phơ trong gió. Khi bông đót bạc xanh cả một khoảng rừng, những người dân ở Hương Thủy lại vào mùa đi “bứt bông đót”, “tước bông đót.”

Mùa bông đót của người Hương Thủy

Chẳng biết nghề “bứt bông đót” của người Hương Thủy có từ khi nào nhưng có lẽ, khi người dân bắt đầu dùng chổi đót thì bắt đầu có nghề theo mùa này. Người dân làm nghề kiếm bông đót tập trung nhiều nhất là ở phường Thủy Phương, kế đến là Thủy Châu, Thủy Phù. Đông thì đi làm theo nhóm, ít thì một xe máy một liềm. Những người theo nghề, thường là những người mà gia đình họ làm chổi. Họ vừa bứt bông đót về để người nhà làm chổi, vừa bán cho tư thương.    

Có dịp ngược xuôi các vùng đồi núi, chúng tôi chứng kiến những người đi bứt đót từng nhóm, rú xe trong màn sương giá lạnh của buổi sớm, tỏa lên vùng đồi núi phía Tây Thừa Thiên Huế. Có những ngày, họ đi về phía Nam, hướng vùng núi La Sơn, núi Bạch Mã. Thậm chí, có những nhóm người Hương Thủy ra tận vùng núi phía Tây huyện Phong Điền. Hầu như, ở đâu có thể có những khóm đót là ở đó có dấu chân của họ.

Với những người đi theo nhóm, họ thường đi vào vùng đồi núi sâu hơn, đi dài ngày hơn. Vì những vùng đót xa thường kiếm được nhiều hơn, cũng đồng nghĩa, họ sẽ có được nhiều tiền hơn cho những chuyến đi dài ngày.    

Một lần, thấy ông Dương Văn Sinh, ở phường Thủy Phương, đang bốc dỡ những bó đót lớn trên xe ô tô xuống, chúng tôi hỏi thăm. Ông tâm sự: “Để có được cả xe ni, tụi tui phải ăn ở nhiều ngày lắm. Thường là cả tuần trở lên. Vùng mô có nhiều thì mình nhớ và cứ tới mùa thì vô đó mà ăn ở.”

 

Người bứt bông đót thích nhất là gặp những khóm, những vùng bông đót vừa trổ và xòe bông, những bông đót chưa ngả màu vàng xám. Bởi lẽ, với bông đót non này, giá trị cũng cao hơn bông đót già, loại vàng xám. Cũng đơn giản, loại bông đót non khi phơi được nắng sẽ có màu xanh dịu và có độ óng ả hơn loại bông đót già.

Làm nghề bứt bông đót cũng phải ngó trời nhìn đất. Ngày mưa thì chịu khó kiếm được ít, ngày nắng thì kiếm nhiều hơn. Những người làm nghề bứt bông đót sợ nhất là gặp ngày mưa hoặc đang phơi mà mưa dội. Gặp mưa, bông đót khô sẽ không có màu tươi mà sậm hơn và đầy ẩm mốc, dễ hư.

Một mùa, với một người kiếm bông đót đơn lẻ, số tiền cũng được vài ba triệu đồng. Người làm giỏi và theo nhóm thì có thể hơn. Thậm chí, có người có thể kiếm được gần 15 – 20 triệu một mùa đót. Có lẽ, hiểu được giá trị của đót và cái nghề đã gắn bó mà nhiều người cứ nao lòng khi mùa đót về. Với họ, mùa bông đót cũng là mùa kiếm tiền nhiều hơn và định kỳ hơn.

Có nghề bứt bông đót, tước bông đót thì cũng có nghề thu mua bông đót. Ở phường Thủy Phương, tập trung nhiều người thu mua bông đót nhất. Những người như Lê Văn Tuấn, Nguyễn Thị Huệ … trở thành những người buôn đót có tiếng. Người có ít cũng một kho đót lớn vài trăm mét vuông, người nhiều thì vài ba kho. Giá trị tính bằng tiền tỷ.

Với những người thu mua, họ đặt cả những người miền núi đi tước, đi bứt về bán cho họ. Năm trước, khi dừng chân dưới chân đèo Pê-ke ở phía Bắc huyện A Lưới, chúng tôi thấy mấy người đồng bào đang gom bông đót và cột lên xe máy. Hỏi chuyện, họ kể là kiếm về bán cho người dưới Hương Thủy, công việc cũng được vài năm rồi. Chợt vui, vì người Hương Thủy đang tạo ra một công việc làm ăn mới và định kỳ cho những người miền núi xa xôi.

Một mùa bông đót nữa lại về. Những ngày mưa lạnh mới đây không cản được bánh xe lăn của người đi tìm bông đót. Và những đêm mưa lạnh đó, không ít người ngủ giữa núi rừng để đợi bông đót của một ngày mới./.

Theo TRT

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng