Kinh tế và phát triển
Đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch
10:14 | 12/03/2014

Trong những năm qua dịch vụ được xác định là lĩnh vực thế mạnh trong cơ cấu kinh tế của TT Huế, trong đó du lịch được quan tâm đầu tư để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2014, phát triển du lịch và Festival là một trong ba chương trình trọng điểm của tỉnh, với mục tiêu phấn đấu đón 3 triệu lượt khách và đóng góp quan trọng để lĩnh vực dịch vụ đạt 54% trong tổng sản phẩm địa phương. 

Đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch

TT Huế có lợi thế là trung tâm thương mại, dịch vụ, giao dịch quốc tế và là một trong những đầu mối giao thông của khu vực miền Trung, Tây Nguyên và cả nước; trong đó thành phố Huế và đô thị mới Chân Mây là hạt nhân để phát triển các loại hình dịch vụ du lịch; thương mại; hàng không; vận tải biển; viễn thông quốc tế; tài chính - ngân hàng; bảo hiểm; các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin; khoa học công nghệ; y tế; giáo dục - đào tạo chất lượng cao. Với tiềm năng thế mạnh để phát triển các loại hình du lịch đặc trưng riêng của Huế dựa trên nền tảng văn hóa – di sản, nhân văn; tài nguyên thiên nhiên, đa dạng địa hình, sinh thái; vốn quí về ẩm thực, lễ hội, văn hóa tâm linh; ngành nghề thủ công truyền thống...Ngành du lịch ngày càng được đầu tư các tour tuyến, sản phẩm du lịch để thu hút du khách. Mức tăng trưởng bình quân hàng năm về doanh thu của ngành du lịch 15 - 20%. Các dịch vụ du lịch ngày càng được xã hội hóa cao, lực lượng lao động tham gia ngày càng nhiều. Toàn ngành hiện có khoảng 526 cơ sở lưu trú, với tổng số khoảng 10.000 phòng.

Với sự nỗ lực vượt khó để giữ ổn định và tăng trưởng trong năm 2013, năm nay tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư và có những giải pháp hỗ trợ cho lĩnh vực dịch vụ, du lịch.   Chủ tịch UBND tỉnh TT Huế Nguyễn Văn Cao cho biết tỉnh có những giải pháp để đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển du lịch trong năm nay và những năm tiếp theo, trong đó chú trọng đầu tư hạ tần các điểm đến du lịch. Trong đó để phát triển du lịch tàu biển, Tỉnh cũng đang nghiên cứu đầu tư bến cảng số hai, kéo dài bến cảng số một, sắp tới đây tỉnh sẽ phối hợp tổ chức hội nghị Hiệp hội tàu biển Asean để tiếp tục khai thác mạnh hơn thế mạnh tuyến du lịch bằng đường biển đến TT Huế và miền Trung. Bên cạnh đó từng bước hoàn chỉnh hệ thống sản phẩm dịch vụ tại các điểm di tích Huế, tăng cường quảng bá sản phẩm du lịch đến các hãng lữ hành trong nước và quốc tế. Bên canh đó tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông khác, như cầu hữu ngạn sông Hương, tuyến đường vào lăng Minh Mạng, Điện Hòn Chén... Tỉnh cũng thực hiện quyết liệt công tác đảm bảo môi trường an toàn, thân thiện cho du khách... tất cả các giải pháp đó hi vọng sẽ tạo sự hấp dẫn cho điểm đến du lịch, tạo động lực để du lịch phát triển.

Cùng với sự quan tâm phát triển hệ thống dịch vụ du lịch, những năm qua tỉnh chú trọng đầu tư các dịch vụ khác như: thương mại; vận tải hàng không; vận tải biển; viễn thông quốc tế; tài chính - ngân hàng; bảo hiểm; các dịch vụ văn hóa giải trí; ẩm thực... Nhằm đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, tỉnh có kế hoạch cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và chú trọng nguồn nhân lực cho lĩnh vực dịch vụ. Theo đó đến năm 2020 sẽ tăng con số nhân lực trong khu vực dịch vụ khoảng 325 nghìn người, chiếm 45% tổng nhân lực trong nền kinh tế. Trong năm nay, chỉ tiêu đặt ra của du lịch là đón khoảng 3 triệu lượt khách; doanh thu tăng 18%.

Các ngành dịch vụ của địa phương phải đạt con số tăng trưởng 10,7% và đóng góp 54% trong tổng sản phẩm của tỉnh. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh rất quan tâm đến việc thực hiện các giải pháp, hỗ trợ; trong đó chú trọng phát triển các ngành dịch vụ, tập trung dịch vụ du lịch; Khai thác có hiệu quả Festival Huế 2014. Phát triển sản phẩm du lịch mới và mang tính đặc thù; nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, tour tuyến hiện có; chú trọng hình thành các sản phẩm liên tuyến, liên vùng. Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá; tạo điều kiện phát triển du lịch đường biển; Kết nối thêm đường bay mới đến Phú Bài. Đồng thời hỗ trợ nâng cao nhận thức và kỹ năng phục vụ của người dân tại các điểm du lịch cộng đồng. Thực hiện các biện pháp kiểm soát, bình ổn thị trường, tiếp tục thực hiện các giải pháp để thúc đẩy các dịch vụ khác phát triển. Tỉnh cũng sẽ tiếp tục xem xét, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các lĩnh vực, doanh nghiệp; tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý các hoạt động, nhằm đảm bảo điều kiện thuận lợi cho dịch vụ phát triển. Thông qua Cổng thông tin điện tử của tỉnh sẽ tiếp thực hiện đối thoại trực tiếp với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để nắm bắt tình hình thực tế, giải quyết những vấn đề bức xúc; tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp trong thời điểm thích hợp nhằm tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn để lĩnh vực dịch vụ phát triển tốt hơn.  

Với những giải pháp tích cực của tỉnh để phát triển các dịch vụ trên địa bàn; cùng với sự chuẩn bị tốt cho sự kiện Festival Huế 2014, các họat động kích cầu du lịch; cùng với việc đầu tư khai thác hiệu quả các sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp và xã hội; hi vọng những chỉ tiêu phát triển dịch vụ sẽ đạt theo kế hoạch; góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế xã hội TTHuế phát triển.

 

Nguồn TRT

Các bài mới
Các bài đã đăng