Kinh tế và phát triển
Nợ nần chồng chất vì bị lừa xuất khẩu lao động
08:30 | 13/03/2014

Năm 2009 và 2010, Báo CAND đã có loạt bài điều tra, văn phòng Công ty CP Hợp tác lao động ngoài nước tại Thừa Thiên - Huế (LOD) với danh nghĩa văn phòng đại diện Công ty CP Du lịch Hà Tây (gọi tắt là Công ty Hà Tây), đã lừa đảo, chiếm đoạt tiền của hàng chục người lao động nghèo ở xã Thủy Phù, huyện Hương Thủy (nay là thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế). Sau khi bị lừa tiền năm 2007, đến nay những người nông dân tay lấm chân bùn này vẫn chưa hết lao đao, nợ nần chồng chất…

Nợ nần chồng chất vì bị lừa xuất khẩu lao động
Cơ quan Công an làm việc với gia đình nạn nhân vụ lừa đảo.

Bà Nguyễn Thị Huê (61 tuổi), bị tàn tật, trú thôn 8A, xã Thủy Phù, sau 7 năm vay mượn số tiền lớn cho con đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Cộng hòa Séc, theo lời hứa và hợp đồng được thực hiện giữa con bà với LOD và Công ty Hà Tây, đến nay vẫn chưa trả hết nợ.

Bà Huê uất nghẹn nói: “Năm 2007, nghe cán bộ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên - Huế và LOD quảng cáo tuyển dụng lao động, làm việc ở nước ngoài, thu nhập cao, tui đã cho đứa con trai út là Ngô Văn Tý làm hồ sơ đi xuất khẩu. Nhưng để có tiền nộp cho LOD và Công ty Hà Tây, gia đình tui đã phải vay mượn Ngân hàng NN&PTNT, Chi nhánh Hương Thủy 11 triệu đồng, rồi vay của bà con hàng xóm thêm 5 triệu đồng. Sau đó, thông qua Công ty Hà Tây, Chi nhánh Hà Nội vay thêm 30 triệu đồng ở Ngân hành Chính sách xã hội (NHCSXH) thị xã Hương Thủy để nộp cho 2 đơn vị tuyển dụng trên. Nào ngờ, gia đình tui và hàng chục hộ dân khác đã bị LOD và Công ty Hà Tây lừa đảo, đến bây giờ vẫn đang phải gánh số nợ lớn”.

Ông Lê Viết Song, hàng xóm của bà Huê, bố của anh Lê Văn Tài, một trong những người từng tham gia ký hợp đồng XKLĐ với LOD và Công ty Hà Tây, xót xa: “Để có tiền cho con trai đi XKLĐ, gia đình tui đã vay, mượn trên 40 triệu, nộp cho LOD và Công ty Hà Tây; nhưng bị họ lừa đảo nên từ năm 2008 đến nay, gia đình tui chìm trong nợ nần, cả nhà vất vả xoay xở trả nợ nhưng vẫn chưa hết”…

Tìm hiểu được biết, mỗi lao động ở Thủy Phù ký hợp đồng XKLĐ với LOD và Công ty Hà Tây, ngoài số tiền 46 triệu đồng nộp cho 2 đơn vị này, còn phải trả hàng chục triệu đồng cho rất nhiều khoản chi phí ăn, ở, đi lại, học phí trong quá trình ra Hà Nội học ngoại ngữ  và đào tạo nghề trước khi đi XKLĐ.

Hiện tại, cơ quan chức năng đã thống kê được 57 người dân ở Thủy Phù bị lừa đảo trong vụ việc này, dẫn đến nợ nần chồng chất. Bên cạnh, NHCSXH thị xã Hương Thủy cũng đang phải gánh khoản nợ xấu. Theo ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc phụ trách chung NHCSXH Hương Thủy, hiện nay khoản vay hơn 1 tỷ đồng đã giải ngân cho người lao động từ năm 2008 vẫn chưa thu được nợ dẫn đến việc ngân hàng gặp nhiều khó khăn.

Theo hồ sơ vụ việc, năm 2007, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên - Huế đã gửi công văn cho Phòng Nội vụ huyện Hương Thủy (nay là thị xã Hương Thủy), đề nghị đơn vị này tạo điều kiện cho LOD tiếp cận tuyển dụng lao động trên địa bàn huyện đi làm việc ở nước ngoài.

Ngày 18/9/2007, LOD đã trực tiếp tuyển dụng lao động ở xã Thủy Phù. Trong số 92 người đăng ký đi lao động ở nước ngoài, có 39 người đăng ký đi Cộng hòa Séc và đã nộp tiền đợt 1 cho LOD là 16 triệu đồng/người. Tuy nhiên, LOD đã "bán thầu" cho Chi nhánh Công ty Hà Tây tại Hà Nội. Số người đăng ký đi lao động nói trên đã phải nộp cho chi nhánh công ty này hàng chục triệu đồng/người. Nhưng sau đó, người đăng ký đi lao động không được đi, tiền nộp vào thì không được trả lại. Đau xót nhất trong số những người đóng tiền đi XKLĐ ở Thủy Phù là trường hợp của anh Hồ Anh Tuấn.

Trong thời gian đợi đi XKLĐ, chẳng may anh bị phát bệnh ung thư máu, gia đình anh đã nhiều lần năn nỉ LOD và Công ty Hà Tây xin rút lại tiền để chữa bệnh cho con, nhưng hai đơn vị này đã cao bay xa chạy… Thiếu tá Trần Văn Sung, cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT & chức vụ Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, hiện phòng đang tiếp tục điều tra hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tiền kể trên của LOD và Công ty Hà Tây

 

Theo CAND

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng