Kinh tế và phát triển
Thừa Thiên - Huế: Thúc đẩy làng nghề phát triển
14:39 | 18/03/2014

Với mục tiêu đến năm 2015, tổng giá trị sản xuất của các làng nghề đạt từ 1.200 - 1.500 tỷ đồng, con số này sẽ tăng lên khoảng 2.000 - 2.500 tỷ đồng vào năm 2020 và đóng góp xuất khẩu khoảng 200 tỷ đồng, tỉnh TT - Huế đã cho ra đời Kế hoạch 75 (KH 75) khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống, làng nghề và ngành nghề tiểu thủ công nghệ (TTCN) của tỉnh đến năm 2015.

Thừa Thiên - Huế: Thúc đẩy làng nghề phát triển


Với tổng kinh phí gần 8 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách là 3 tỷ đồng, còn lại do các doanh nghiệp (DN), cơ sở đầu tư, năm 2013, chương trình được triển khai sâu rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh và đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong đó, 2 nhiệm vụ chính là bảo tồn, khôi phục và phát triển các nghề, làng nghề như gốm Phước Tích, mây tre đan Bao La, Thủy Lập và các làng nghề nón lá Mỹ Lam, Thủy Thanh; phát triển nghề chế biến dầu tràm, nước mắm và các làng nghề, ngành nghề TTCN khác và sản xuất các sản phẩm xuất khẩu đã cơ bản hoàn thành, tạo động lực để thúc đẩy các làng nghề và cơ sở sản xuất ngày càng phát triển và mở rộng quy mô.

Sau 1 năm triển khai, 8 lớp tập huấn về nâng cao năng lực sản xuất và khởi sự DN được tổ chức, thu hút khoảng 700 hộ dân ở các làng nghề; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất nấm linh chi cho Công ty CP chế biến lâm sản Hương Giang. Hai làng nghề mây tre đan Bao La (Quảng Phú) và Thủy Lập (Quảng Lợi) đã tạo thêm 50 mẫu mới; làng gốm Phước Tích đã được bảo tồn và phát triển theo hướng phục vụ du lịch, trong đó đã xây dựng 2-3 mẫu gốm mới theo thị hiếu của thị trường. Mặt khác, các cơ sở sản xuất dầu tràm ở xã Lộc Thủy đã cải tiến mẫu mã từ chai chứa dầu cỡ lớn cồng kềnh không phù hợp với khách du lịch thành những mẫu chai nhỏ từ 100 - 400ml rất thích hợp để phục vụ khách. Trên 1 ngàn lao động ở các địa bàn nông thôn được đào tạo nghề và có việc làm ổn định.

Ông Lê Tự Dũng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên - Huế cho biết: “Chương trình khôi phục và phát triển nghề, làng nghề và sản xuất sản phẩm xuất khẩu là hoạt động thường xuyên, lâu dài nhằm khôi phục và bảo tồn những làng nghề truyền thống. Hình thành lực lượng lao động có tay nghề, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và lực lượng chủ cơ sở sản xuất tại các làng nghề có trình độ quản lý, tổ chức kinh doanh, tiếp thị sản phẩm nhằm hướng đến hình thành DN tạo thuận lợi trong hoạt động sản xuất - kinh doanh”. KH 75 đã tạo ra bước ngoặt lớn đối với lĩnh vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ khách du lịch và phát triển sản xuất sản phẩm xuất khẩu để gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh.

KH 75 còn tham gia như tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại 9 huyện, thị xã và TP. Huế; phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú năm 2013 và hỗ trợ các DN tham gia các hội chợ, hội thảo và xúc tiến đầu tư.

Nguồn baocongthuong.com

 

Các bài mới
Các bài đã đăng