Kinh tế và phát triển
Trở lại Nam Đông
09:53 | 21/03/2014

Thật may mắn, trong vòng 2 năm tôi có 2 chuyến công tác tới huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên - Huế). Đây cũng là huyện miền núi đầu tiên của cả nước đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM) vào năm 2015. So với 2 năm trước, hôm nay không khí đón gió NTM trên quê hương Nam Đông đang sôi động trước chặng nước rút. Đi giữa màu xanh bạt ngàn của rừng cao su, tôi lại nhớ tới một bài báo chính mình đã viết từ mảnh đất này: Về nơi dân giàu hơn cán bộ.

Trở lại Nam Đông
Đường giao thông nông thôn ở huyện Hương Hòa, Nam Đông

Cao su - cây chủ lực xóa nghèo

Hiện nay có trên 60% số gia đình ở xã Thượng Nhật (huyện Nam Đông) trồng cao su. Những hộ trồng cao su lâu năm và có diện tích trồng lớn nhất là gia đình ông Nguyễn Thanh Phia (5ha), Trần Văn Đin (2ha), Trần Đình Lượng (2ha)… Do đầu ra của cây cao su tương đối ổn định, Công ty Cao su Nam Đông bao tiêu về sản phẩm nên thu nhập bình quân của những hộ gia đình nói trên, lúc cao điểm đạt tới khoảng 1 triệu đồng/ ngày. Gia đình ông Trần Văn Đin trước kia thuộc diện nghèo nhất, nhì trong xã, nhưng giờ đây nhờ cây cao su ông đã xây cất được nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều tiện nghi đắt tiền. Các con ông không những học hết phổ thông mà còn được bố mẹ cho theo học nghề, đã có công ăn việc làm ổn định.

Học nhau kinh nghiệm thoát nghèo, từ năm 2011 người dân xã Thượng Nhật cũng tự bỏ vốn trồng mới hàng chục ha cao su. Mà điều đáng nói nhất chính là cán bộ xã ở Thượng Nhật đã phải "học tập” sự năng động của người dân và học hỏi kinh nghiệm trồng cao su của đồng bào. Nhưng so về diện tích trồng cao su, thì cán bộ vẫn ít hơn dân nhiều. Ông Chủ tịch xã cười xòa giải thích: đơn giản vì những chỗ đất tốt, có thể trồng được cây cao su thì người dân đã "nhắm” hết rồi...

Hôm nay trở lại Nam Đông, gặp lại ông Trần Văn Hát - Chủ tịch UBMTTQ huyện. Lần này ông Hát lại nhiệt tình dẫn chúng tôi đi thực địa tại xã Hương Hòa - xã điểm trong xây dựng NTM của huyện Nam Đông. Vẫn đó một màu xanh bạt ngàn của cao su. Những vạt rừng cao su trong số gần 200 ha cao su của tỉnh Thừa Thiên - Huế bị cơn bão số 10 năm 2013 quật gãy đổ, nay đang hồi sinh trở lại. Ông Nguyễn Văn Thành - Chủ tịch UBND xã Hương Hòa bảo rằng: Dù thế nào thì cao su cũng vẫn là cây trồng chủ lực xóa đói giảm nghèo với gần 500 ha trên toàn xã, giúp đồng bào Kơtu có cuộc sống ổn định, sung túc.

Tận mắt thấy, tai nghe, chúng tôi đã được chứng kiến một NTM đầy sinh khí ở Hương Hòa. Toàn bộ đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa. Trong đó có những đoạn đường do Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… tự quản. Nhà văn hóa xã Hương Hòa được xây dựng khang trang, là nơi sinh hoạt chung của cả cộng đồng. Ở mỗi thôn lại có một nhà sinh hoạt văn hóa rộng rãi, thoáng mát để phục vụ những buổi sinh hoạt tập thể trong thôn… Tất cả những thành quả ấy được huy động từ sức dân với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Người dân tự nguyện hiến đất làm đường, xây trường học. Có những hộ gia đình còn hiến cả 1 ha đất để xây dựng nghĩa trang xã…


Xã về đích sớm "2 trong 1”

Có điều, trong số 19 tiêu chí xây dựng NTM áp dụng đại trà, thì xã Hương Hòa không thể triển khai thực hiện 2 tiêu chí: phải có chợ dân sinh và xây dựng hệ thống thủy lợi tưới tiêu. Ông Chủ tịch UBND xã giải thích rằng: Với địa hình miền núi như ở huyện Nam Đông thì yêu cầu mỗi xã có một cái chợ là thừa, lãng phí và người dân cũng không có nhu cầu. Tương tự như thế xã Hương Hòa là một địa phương trồng rừng, trồng cây công nghiệp đại trà nên việc xây hệ thống kênh mương tưới tiêu cũng không cần thiết. Ngoài ra 17 tiêu chí còn lại, xã Hương Hòa đã gần như cán đích. Nhưng cũng từ câu chuyện về việc đề nghị không thực hiện 2 tiêu chí xây dựng NTM ở Hương Hòa, một kinh nghiệm và bài học thực tế về việc xây dựng NTM cũng đã được rút ra.

Chiều muộn Nam Đông, nắng vẫn lấp ló trên những cánh rừng cao su xanh mướt. Chúng tôi ghé nhà ông Lưu Thiếu Tường - một trong số những hộ gia đình giàu lên nhờ mô hình trồng cao su kết hợp với chăn nuôi bò. Điều khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên là giữa vùng đồi núi chập chùng này, đại đa số người dân đồng bào Kơtu có nước máy dùng trong sinh hoạt. Ông Tường vừa tưới cây bằng hệ thống nước sạch, vừa kể cho khách phương xa nghe chuyện làm giàu của gia đình. Rốt cuộc ông khiêm tốn nói rằng: Nhà ông cũng chỉ là một trong số những hộ gia đình có thu nhập vừa phải, vì ông chỉ trồng 0,7 ha cao su thôi. Nhiều gia đình khác khá hơn nữa - ông Tường bảo vậy.


Ông chủ tịch xã Hương Hòa cho hay: Hiện có tới trên 65% người dân trong xã được sử dụng nước máy. Đây mới chính là tiêu chí quan trọng nhất trong bộ 19 tiêu chí xây dựng NTM. Cách phân tích của ông Chủ tịch xã khiến chúng tôi liên tưởng tới việc tiếp cận nghèo đa chiều mà công cuộc giảm nghèo quốc gia đang hướng tới. Nếu xét theo những tiêu chí nghèo về giáo dục, văn hóa, y tế, nước sạch vệ sinh môi trường, thu nhập bình quân đầu người… thì rõ ràng người dân Hương Hòa nói riêng và người dân huyện Nam Đông nói chung đã và đang thoát nghèo, dần tiệm cận thoát nghèo bền vững. Đó cũng chính là lý do mà Đảng ủy, UBND, HĐND xã Hương Hòa đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 toàn xã không còn hộ nghèo.

Năm 2015 - nói là một năm nhưng thực chất chỉ còn khoảng hơn 8 tháng nữa để xã Hương Hòa cán đích hoàn thành xây dựng NTM. Vừa hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, lại vừa phấn đấu thoát nghèo bền vững, có thể khẳng định xã Hương Hòa ở huyện miền núi Nam Đông là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước cán đích "2 trong 1” vào năm 2015.  

Trở lại, rồi lại chia tay Nam Đông, lần này chúng tôi mang theo về những niềm vui, sự hi vọng tràn trề về cuộc sống xanh, một NTM xanh ngắt từng ngày nơi ấy. Và điều chúng tôi mong nhất là người dân nơi đây sẽ có cơ hội đọc được những bài báo chúng tôi viết về Nam Đông - huyện miền núi anh hùng trong thời kỳ đổi mới của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

 

Nguồn daidoanket.vn

Các bài mới
Các bài đã đăng