Kinh tế và phát triển
Huế quyết tâm trở thành thành phố trung ương
10:29 | 25/03/2014

Thực hiện Kết luận  của Bộ Chính trị Thừa Thiên-Huế  đang nổ lực phát triển thành phố di sản, văn hóa, sinh thái.

 

Huế quyết tâm trở thành thành phố trung ương

Năm 2009, Bộ Chính trị có Kết luận 48, trong đó chủ trương xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Thực hiện chủ trương này, những năm qua, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có nhiều nỗ lực trong  phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá. Hiện tỉnh Thừa Thiên-Huế tập trung xây dựng đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình “Thành phố di sản, văn hoá, cảnh quan, sinh thái và thân thiện với môi trường”.

Với nỗ lực trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Bộ mặt đô thị, nông thôn không ngừng đổi mới; mạng lưới đô thị vệ tinh từng bước được hình thành.

Ông Dương Minh Cựu, người dân ở phường Phú Hoà, thành phố Huế cho biết đến với Thừa Thiên Huế hôm nay, có thể cảm nhận được sự thay đổi của một cố đô vừa mang dáng dấp hiện đại, vừa mang nét đẹp cổ kính.

“Sẽ là một vinh dự lớn nếu thành phố Huế được nâng lên thành phố trực thuộc Trung ương. Với nguồn lực của thành phố và trung ương, Huế sẽ được xây dựng thành thành phố du lịch, được chỉnh trang đô thị, cũng như các công trình bảo tàng, bảo tồn, góp phần đưa kinh tế thành phố phát triển cao hơn”, ông Cựu chia sẻ.

Tên gọi Huế đã xuất hiện từ rất sớm và đã từng là thành phố trực thuộc Trung ương thời vua Nguyễn với vai trò là kinh đô, cùng với Sài Gòn và Hà Nội. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho rằng tên gọi “thành phố Huế” vừa gần gũi, thân quen không chỉ với đại đa số người dân và du khách trong nước mà còn là địa danh được xác định trên bản đồ du lịch thế giới.

“Thành phố Huế là Cố đô văn vật của nước Việt Nam có hàng ngàn năm văn hiến. Thành phố Huế trực thuộc Trung ương, chia làm 4 quận là rất đúng. 4 quận, huyện đó có 4 chức năng hoàn toàn khác nhau và nó làm cho Huế trở thành thành phố nhân văn”, ông Xuân bày tỏ.

Trong định hướng quy hoạch, thành phố Huế hiện nay sẽ là đô thị trung tâm được chia làm 3 hoặc 4 quận, với 2 thị xã là Hương Thủy và Hương Trà, cùng 6 huyện gồm: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc, Phú Vang, Nam Đông, A Lưới. Diện mạo đô thị Huế trực thuộc Trung ương còn có chùm đô thị, khu du lịch, cảng biển, sân bay, làng đại học, bệnh viện chất lượng cao... Tất cả đảm bảo tốt nhất việc phát triển và bảo tồn các giá trị di sản vật thể và phi vật thể, các giá trị cảnh quan thiên nhiên, thể hiện tính chất đặc thù của đô thị Huế.

PGS, Tiến sĩ Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng không chỉ phần lõi của đô thị tại Huế, mà tại Chân Mây, Lăng Cô, tại những vùng xã xôi như Phong Điền, A Lưới, Nam Đông quá trình đô thị hoá diễn ra khá mạnh mẽ. Trong số 49 tiêu chí trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Huế hoàn toàn đạt tiêu chuẩn đặt ra.

Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho hay một trong những mục tiêu mà đô thị Thừa Thiên - Huế hướng đến là đảm bảo phát triển bền vững, đưa Huế trở thành đô thị kiểu mẫu, thân thiện với môi trường và đảm bảo các chính sách an sinh xã hội... Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung rất nhiều về đầu tư chỉnh trang các dự án để làm sao chất lượng của đô thị đạt tiêu chí của đô thị loại 1, theo hướng sinh thái, đảm bảo giữ gìn, tôn tạo và phát triển các di sản văn hoá thế giới.

Thừa Thiên-Huế, vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử văn hoá đặc sắc và truyền thống cách mạng vẻ vang. Phát huy những thành tựu đạt được sau 39 năm giải phóng,  Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực, phấn đấu xây dựng địa phương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình “Thành phố di sản, văn hoá, cảnh quan, sinh thái và thân thiện với môi trường”.

Nguồn VOV

Các bài mới
Các bài đã đăng