Kinh tế và phát triển
Thừa Thiên Huế: Hỗ trợ mạnh phát triển ngành thủy sản
14:23 | 28/03/2014

Tỉnh Thừa Thiên Huế vừa xây dựng chiến lược phát triển kết hợp với chính sách trợ giúp phù hợp nhằm hỗ trợ ngành thủy sản phát triển bền vững.

Thừa Thiên Huế: Hỗ trợ mạnh phát triển ngành thủy sản

Năm 2013, sản lượng nuôi trồng thủy sản của Thừa Thiên Huế ước đạt 9.973 tấn, tăng 4,5%; trong đó sản lượng tôm các loại tăng 1,8%, cá các loại tăng 8,5%, cua tăng 15,5%. Sản lượng khai thác đạt 27.219 tấn, tăng 2,6%, trong đó khai thác biển đạt 24.206 tấn (tăng 2,9%), khai thác sông, đầm giảm 0,2%.

Năm 2014, tỉnh  chủ trương tiếp tục ổn định diện tích nuôi cao triều và hạ triều; kiểm soát an toàn dịch bệnh; quản lý vùng tôm nguyên liệu để cung cấp ổn định cho nhà máy chế biến; tiếp tục thực hiện Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản; bảo vệ các khu bãi giống, bãi đẻ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác khuyến ngư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật các vùng nuôi tập trung, lồng ghép thực hiện phát triển kinh tế biển.

Mới đây, tỉnh đã thống nhất phương án mở rộng diện tích nuôi tôm vùng quy hoạch nuôi tôm trên cát xã Điền Môn (huyện Phong Điền) thêm khoảng 85 ha; Hỗ trợ 2.500 con cá đối mục giống cho các hộ dân nuôi thủy sản tại xã Lộc An (huyện Phú Lộc); Hỗ trợ khoảng 12.000 con cá đối mục giống cho các điểm nuôi thử nghiệm ở các huyện Phú Vang và Quảng Điền; Hỗ trợ 8 tàu đánh bắt thủy sản xa bờ với kinh phí trên 420 triệu đồng, trong đó gói hỗ trợ về nhiên liệu trị giá 197 triệu đồng và gói hỗ trợ máy thông tin liên lạc tầm xa sóng HF có tích hợp định vị vệ tinh trị giá 224 triệu đồng.

Trên cơ sở đó, Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam cung cấp tôm giống, thức ăn nuôi tôm, quy trình kỹ thuật nuôi để hỗ trợ các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu chế biến của Công ty. Công này cũng đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy sản với kinh phí 24 triệu USD, công suất 9.500 tấn sản phẩm/năm, thu hút hơn 1.000 lao động. Cuối tháng 2/2014, công ty này xuất khẩu được trên 600 tấn tôm thẻ chân trắng thành phẩm sang thị trường Nhật, Mỹ và các nước châu Âu.

Được biết, để nhà máy hoạt động hết công suất tôm nuôi của các tổ chức, người dân có nơi tiêu thụ, giá ổn định và tránh bị tư thương chèn ép, doanh nghiệp này đã ký hợp đồng tiêu thụ với các địa phương có diện tích nuôi và hỗ trợ chuyển giao khoa học - kỹ thuật nuôi cho các tổ chức, người dân để hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, cho ra sản phẩm sạch.

BT

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng