Kinh tế và phát triển
Quảng Điền cần cú hích cho du lịch đầm phá Tam Giang
08:16 | 03/04/2014

Quảng Điền là huyện có tiềm năng phát triển du lịch, với thế mạnh vùng đầm phá Tam Giang rộng hơn hơn 3.500 ha, với nhiều loài thủy sản nước lợ nổi tiếng như cua, tôm sú, cá dìa, cá nâu, cá chẽm và cá kình, bờ biển có chiều dài trên 12 km. Đây là điều kiện rất thuận lợi để Quảng Điền phát triển du lịch thúc đẩy phát triển kinh tế.

Quảng Điền cần cú hích cho du lịch đầm phá Tam Giang

Quảng Điền hôm nay còn được biết đến bởi hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai rộng lớn nhất khu vực Đông Nam Á với nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, du lịch… Đã từng tổ chức thành công lễ hội “Sóng nước Tam Giang” và gắn liền với đó là việc hình thành tour du lịch đến với những địa danh, tham gia lễ hội cũng như tìm hiểu đời sống sinh hoạt của người dân vùng sông nước. Đây được xem như một sự bổ sung thú vị cho du lịch Huế vốn chỉ gắn liền với hoạt động khám phá những cung điện đền đài hay chùa chiền, lăng mộ. Nó cũng rất gần gũi với bảo tàng sông nước hiện đại trong việc góp phần làm sống dậy hình ảnh “con đò cắm con sào đứng đợi” một thời thơ mộng trên phá Tam Giang.

Nằm ở phía bắc thành phố Huế, huyện Quảng Điền có đến 3.500 ha diện tích mặt nước, là một vùng sông nước điển hình. Cùng với biểu tượng của một vùng đất lúa, Quảng Điền cũng là nơi lắm tôm, nhiều cá, có vùng Sịa - một trung tâm nổi danh trong câu ca “Nhất Huế, nhì Sịa”. Đã từ lâu, hình thành và tồn tại ở đây những vạn chài như những ngôi làng trên mặt nước ở ven sông hay phá Tam Giang. Cũng đã đi vào tâm thức con người bao đời nay những tên làng, tên ấp, như Thuỷ Lập, Hà Đồ, Hà Lạc…Và rồi, nó trở thành một điểm nhấn trong dấu ấn văn hoá, lịch sử của Thừa Thiên Huế.

Theo Ðại Nam Nhất Thống Chí (ÐNNTC) trang 153 chép Phá Tam Giang trước có tên là Hạt Hải có nghĩa là biển cạn, từ nam chí bắc dài 30 dặm, từ đông sang tây rộng chừng 6 dặm. Từ hạ lưu nguồn Ô Lâu - Thọ Lai (hệ thống sông Lương Ðiền) chảy xuống Phá về phía tây nam có 3 cửa sông đổ vào là sông Tả, sông Trung và sông Hữu nên vua Minh Mạng đổi tên gọi là Tam Giang, nước sông sâu rộng, sóng gió bất trắc, thuyền bè dễ gặp nạn.

Trong ca dao xưa ở Thừa Thiên - Huế có câu:

“Thương em, anh cũng muốn vô

Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang”

Phá Tam Giang thuộc huyện Quảng Ðiền. Quảng Ðiền là một địa danh có từ cách đây hơn 200 năm, nguyên là đất quận Nhật Nam thời thuộc Hán, sau là châu Lý của Chiêm Thành; thời nhà Trần là quận Trà Kệ thuộc châu Hóa; thời nhà Lê đổi thành huyện Ðan Ðiền thuộc phủ Triệu Phong.

Trong Ô Châu Cận Lục của Dương văn An viết vào đầu nửa thế kỷ XVI (1555) dưới thời Lê - Mạc thì vùng Quảng Ðiền - Phong Ðiền hiện nay nằm trong địa phận 2 huyện Kim Trà và huyện Ðan Ðiền thuộc phủ Triệu Phong.

Dưới thời nhà Nguyễn đổi Ðan Ðiền thành Quảng Ðiền (Ðại Nam Nhất Thống Chí-trang 96). Hiện nay huyện Quảng Ðiền thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, địa danh Ðan Ðiền xưa được mang ra đặt tên cho một cây cầu hiện nay ở thị trấn Sịa.

Vùng đất Quảng Ðiền - Phong Ðiền là quê hương của nhiều nhân vật lừng danh trong lịch sử Việt Nam từ cổ tích cho đến nhân vật liệt nữ tăng đạo. Ða số thuộc vào thời các chúa Nguyễn như: Ông Nguyễn Quang Tiền, Ông Nguyễn Văn Hiền giữ chức Quản tiên phong thủy đạo, Ông Nguyễn Văn Thành tổng trấn bắc thành thời Gia Long, Nguyễn Ðô, Nguyễn Đình Ðức được thờ ở miếu Trung Hưng Công Thần, thượng thư Lương Tiến Tường, Ðoàn Văn Phú, Ðặng Văn Thêm, Lê Văn Phú đều được thờ ở đền Hiền Lương, Lê Phúc Sơn thờ ở đền Trung Nghĩa; đặc biệt ông Thân Văn Quyền được vua Minh Mạng phái đi Pháp về sau giữ chức Bố chính tỉnh Ðịnh Tường cũng được thờ ở đó.

Các di tích lịch sử của Quảng Ðiền gắn liền với các hoạt động lễ hội như đình Thủ Lễ gắn với hội vật, các điệu hò như mái nhì, hò ô, hò giã gạo được ưa chuộng trong dân gian; các trò chơi chọi gà, đua thuyền, kéo co, vật võ, bài chòi thường được tổ chức trong các dịp lễ, tết…

Văn hóa ẩm thực đặc biệt như: bánh tráng, tôm chua chợ Sịa, bún bò, cháo cá dìa, trìa phá Tam giang và các món ăn đặc sản chế biến từ cá tôm vùng nước lợ thì không có nơi nào phong phú hơn ở vùng đầm phá Tam Giang, ngay cả chim nước như le le, vịt nước hay các loài lưỡng thê cũng vậy.

Vùng đất mang nét đặc thù chung của nền văn hoá Huế, và cũng là nơi có nền văn hoá Chăm Pa, những di tích mang dấu ấn của một thời lịch sử như Thành Hoá Châu, Phủ Phước Yên, Phủ Bác Vọng. Những người con của Quảng Ðiền đã đi vào những trang sử hào hùng của quê hương đất nước như Ðặng Tất, Ðặng Dung, các nhà chí sĩ như Trần Thúc Nhẫn…

Phá Tam Giang giới hạn phía Bắc là cửa sông Ô Lâu, phía Nam là cửa sông Hương thông với biển qua cửa Thuận An. Từ Ô Lâu tới Thuận An dài 26 km, chiều rộng phá từ 2-3,5km. Thuộc địa phận 12 xã của ba huyện Quảng Ðiền, Phong Ðiền và Hương Trà. Phá Tam Giang có diện tích khoảng 5.200ha. Phá Tam giang có độ sâu từ 2 đến 7m, sâu nhất là 10m; phía Bắc phá là Quảng Thái, một vùng phù sa nhờ 2 con sông Ô Lâu và Nịu mang lại sau những mùa lụt, phá Tam Giang từ đây vẽ một vòng cung ra hướng Bắc. Đông Bắc thì gặp một vùng đất đầm thuộc Phong Chương, Ðiền Lộc, Ðiền Môn…Tên các làng dọc theo vùng đất này nghe rất lạ tai như Thủy Nịu, Trằm Nầy, Trằm Dét…

Với diện tích rộng lớn, nơi hội tụ của những con sông lớn, Phá Tam Giang của huyện Quảng Điền đang mang trong mình những gia trị tiềm năng to lớn và phong phú. Ngoài giá trị to lớn về môi trường sinh thái của tiểu vùng khí hậu trung Trung bộ, đầm phá Tam Giang huyện Quảng Điền còn ẩn chứa tiềm năng du lịch đa dạng về sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa.

Thế nhưng lâu nay, du khách đến Huế chỉ mới quẩn quanh di tích cố đô, "ăn cơm vua, mua tranh bèo", chưa ai biết đến đầm phá Tam Giang đặc sắc thơ mộng như thế nào, đặc biệt là nét văn hóa, phong tục, tập quán sinh hoạt đặc trưng riêng biệt còn nguyên sơ chưa bị lai tạp của cộng đồng cư dân đầm phá, với những địa danh đã đi vào lịch sử văn hóa như thành cổ Hóa Châu, chợ Cồn Gai, chợ Đại Lược, làng tranh dân gian Sình, làng rượu Chuồn, lễ hội cầu ngư An Truyền, chùa Linh Thái, Túy Vân...

Tiềm năng của đầm phá Tam Giang mới chỉ được khai thác mạnh trên lĩnh vực kinh tế, tập trung chủ yếu vào đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, còn tiềm năng du lịch hầu như bỏ ngỏ. Vài năm trở lại đây, một số lễ hội của cư dân vùng đầm phá được tổ chức như lễ hội Cầu Ngư làng An Truyền, hội vật làng Sình, đua thuyền, đua thúng Lăng Cô... , nhưng chưa nằm trên bản đồ tour, tuyến du lịch của Thừa Thiên- Huế. Nếu ngắm phá Tam Giang trên chiếc khinh khí cầu du khách sẽ mê mẩn trước vẽ đẹp quyến rũ của đầm phá Tam Giang- Cầu Hai. Xin cam đoan một điều, nếu được một lần ngồi thuyền thong dong trên phá ngắm trăng, thưởng thức rượu Chuồn nhấm với cá dìa, tôm, cua... những đặc sản nổi tiếng vớt lên từ lòng phá- chắc hẳn không ai có thể quên được cái ấn tượng bồng bềnh thi vị trên sóng nước Tam Giang, qua một đêm thưởng trăng trên sóng mơ màng, thức dậy đón mặt trời nhô lên trên phá, thú vị vô cùng.

Thời gian qua, để đánh thức tiềm năng của Tam Giang, nhiều dự án phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch đã được triển khai như: dự án tổng thể quản lý khai thác đầm phá Tam Giang- Cầu Hai vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế hợp tác với Chính phủ Italya. Và việc tổ chức thường niên Lễ hội Sóng nước Tam Giang, tại bến đò Cồn Tộc, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, với rất nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc gắn với các di tích văn hóa của vùng sóng nước Tam Giang... Hy vọng "kho vàng" Tam Giang sẽ ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư, du khách đến tham quan khám phá, làm giàu cho Thừa Thiên- Huế. Với những cố gắng đã làm só với tiềm năng của đầm phá thì quá hạn hẹp, để khai thác tối đa tiềm năng thế mạng của đầm phá huyện Quảng Điền rất cần sự quan tâm giúp đỡ của các cấp các nghề để du lịch phá Tam Giang trở thành mũi nhọn kinh tế của huyện Quảng Điền nói riêng của tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ.

Theo quangdien.thuathienhue.gov.vn

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng