Ngày 25-4, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế chủ trì đối thoại trực tuyến, chủ đề "Xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương (TPTTT.Ư)- Cơ hội và thách thức", theo tinh thần Kết luận 48, ngày 25-5-2009 của Bộ Chính trị.
Theo quan sát của chúng tôi, đây là buổi đối thoại có nhiều câu hỏi và câu trả lời xuất sắc, đưa ra được những giải đáp đối với hàng loạt câu hỏi bấy lâu nay của người dân TT-Huế cũng như cả nước. Báo Công an TP Đà Nẵng xin lược trích một số nội dung buổi đối thoại này (*).
Chia sẻ với bạn đọc trước khi tiếp nhận câu hỏi, ông Nguyễn Văn Cao cho biết: “Đến nay, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành”.
NGƯỜI DÂN ĐƯỢC GÌ?
Bạn đọc Hoàng Đức: Vì sao phải chuyển toàn tỉnh lên thành TPTTTƯ? Ông Nguyễn Văn Cao cho biết: Với vị trí địa chính trị, địa lý, giao thông thuận lợi, Huế đã được chọn là kinh đô Việt Nam dưới triều đại Tây Sơn (1776-1801) và triều đại các vua nhà Nguyễn; là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa nghệ thuật quan trọng của đất nước trong suốt những thời kỳ lịch sử đó. Hiện nay, việc xây dựng TT-Huế trở thành TPTTTƯ là định hướng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn quản lý và phát triển đô thị nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản Huế, văn hóa Huế.
Trả lời câu hỏi của bạn Nguyễn Thúy, rằng người dân sẽ được hưởng lợi những gì nếu tỉnh được trở thành TPTTTƯ, việc đóng các loại thuế, phí của người dân có thay đổi gì không?, ông Nguyễn Văn Cao cho biết: Trước hết, khi trở TPTTTƯ, vị thế, vai trò hạt nhân phát triển của TT-Huế sẽ được khẳng định và nâng cao.
TT-Huế sẽ phát huy tốt hơn vai trò một trong những trung tâm lớn đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục – đào tạo, đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Đây là tiền đề quan trọng để TT-Huế kêu gọi các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến đầu tư xây dựng, mở văn phòng đại diện, tổ chức các sự kiện, hội nghị mang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế, qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Về nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước để xây dựng kết cấu hạ tầng công cộng cải thiện việc cung cấp các dịch vụ phúc lợi xã hội, khi trở thành TPTTTƯ, TT-Huế sẽ có điểm tiêu chí phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước cao hơn; đồng thời cũng sẽ kêu gọi được những nguồn vốn khác (ODA) theo chương trình phát triển đô thị của Chính phủ để đầu tư kết cấu hạ tầng, khi đó, người dân của TT-Huế, bao gồm cả H. A Lưới, sẽ được hưởng những điều kiện hạ tầng và tiếp cận các dịch vụ công tốt hơn.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Cao, sau khi trở thành TPTTT.Ư, các khoản thuế, phí của người dân cơ bản không thay đổi. Bên cạnh đó, về quyền lợi cụ thể của người lao động, theo quy định hiện hành, mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động ở các doanh nghiệp, hợp tác xã,... ở các khu vực đô thị sẽ được áp dụng mức cao hơn so với các đơn vị cấp tỉnh.
KHÔNG GIAN ĐÔ THỊ TƯƠNG LAI
Tăng trưởng xanh Trả lời câu hỏi của bạn Phan Thanh Minh, về định hướng phát triển kinh tế xã hội mà TT-Huế hướng tới khi trở thành TPTTTƯ, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT TT-Huế Phan Thiên Định cho biết: Để tiếp tục thực hiện tốt Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị, Quyết định 86/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển KT-XH tỉnh TT-Huế đến năm 2020 với mục tiêu “Xây dựng TT-Huế trở thành TPTTTƯ, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học và công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao”, TT-Huế sẽ phát triển theo hướng Tăng trưởng xanh trên nền tảng kinh tế tri thức; lấy phát triển dịch vụ - du lịch làm hạt nhân phát triển kinh tế; phát triển công nghiệp xanh, sạch, công nghệ cao làm động lực đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. |
Bạn Lê Văn Lộc đặt câu hỏi: “Với diện tích quá rộng mà dân số lại ít. Xin cho biết diện mạo của TPTTTƯ trong tương lai sẽ được tỉnh xây dựng như thế nào?”. Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở Xây dựng TT-Huế Nguyễn Minh Dũng cho biết: Mục tiêu chung là xây dựng TT-Huế thành TPTTTƯ theo mô hình đô thị “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường”.
Về bản chất, đô thị TT-Huế sẽ được hình thành bởi nhiều đô thị quy mô vừa và nhỏ (bao gồm khu vực đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh như Chân Mây - Lăng Cô, Phong Điền, A Lưới,...); phát triển đan xen giữa các đô thị là sự chuyển tiếp hài hòa giữa khu vực làng xóm và các vùng nông nghiệp, bảo tồn sinh thái, cảnh quan thiên nhiên...; được liên kết với nhau bằng mạng lưới giao thông đồng bộ, hoàn chỉnh và hiện đại.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Dũng, sẽ có các không gian đô thị được hình thành, bao gồm: Đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ TP Huế hiện hữu và phần mở rộng thuộc phạm vi 3 đơn vị hành chính là TX Hương Thủy, TX Hương Trà và thị trấn Thuận An; Đô thị Chân Mây - Lăng Cô; Đô thị Phong Điền, là đô thị trung tâm cửa ngõ phía Bắc; Đô thị A Lưới là đô thị trung tâm phía Tây Nam; Các thị trấn Sịa, Phú Đa, Phú Lộc, Khe Tre phát triển theo mô hình đô thị sinh thái; Các thị trấn xây dựng mới như Điền Lộc, Thanh Hà, Vinh Thanh, La Sơn, Phong An, Vinh Hiền, Hồng Vân, A Đớt,... là các trung tâm tiểu vùng theo mô hình đô thị sinh thái, tăng cường các trung tâm công cộng và tiện ích phục vụ khu dân cư nông thôn.