Kinh tế và phát triển
Sẽ có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2014
15:18 | 28/04/2014

Sau 3 năm (2011-2013) triển khai, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả, tất cả các tiêu chí đều có sự chuyển biến. Tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm từ 14,9% năm 2010 xuống còn 8,52% cuối năm 2013 (bình quân giảm hơn 2%/năm). Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, bộ mặt nông thôn, miền núi được khởi sắc; văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế có nhiều chuyển biến tích cực, an ninh trật tự xã hội giữ vững.

 

Sẽ có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2014
Đường giao thông nông thôn ở huyện miền núi Nam Đông

Tính đến 31/12/2013, tổng tiêu chí đạt được toàn tỉnh là 1.133 tiêu chí/92 xã; bình quân số tiêu chí đạt 12,3/1 xã (bình quân cả nước hiện nay là 8,48), đối với 28 xã thực hiện điểm của Tỉnh bình quân đạt 13,7 tiêu chí/xã; có 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã hương Hòa, huyện Nam Đông đạt 19/19 tiêu chí). Toàn tỉnh đã có 13/92 xã đạt từ 15-19 tiêu chí; 65/92 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 14/92 xã đạt từ 6 - 9 tiêu chí. Nếu đánh giá theo cấp địa phương thì có 8 huyện, thị xã đạt từ 12 đến dưới 14 tiêu chí/xã (gồm Huyện Nam Đông, Phong Điền, Phú Vang, Quảng Điền, Phú Lộc, thị xã Hương Trà và thị xã Hương Thủy), huyện A Lưới đạt 10,4 tiêu chí/xã.

Giai đoạn 2011-2013, tổng nguồn vốn huy động cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu trong chương trình NTM đạt 1.355 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách trên 584 tỷ đồng; các nguồn vốn khác từ các dự án, tín dụng doang nghiệp…trên 613 tỷ đồng và 157 tỷ đồng nguồn vốn nhân dân đóng góp) đã đầu tư xây dựng được 03 khu tái định cư, 52 công trình thủy lợi, 303 công trình giao thông, 30 trường học, 06 nhà văn hóa xã, 02 nhà văn hóa thôn, 06 công trình y tế xã, 01 công trình điện. Đặc biệt có hơn 125.000m2 đất và hơn 30.000 ngày công do người dân đóng góp, tham gia để xây dựng đường thôn, xóm, nhà văn hóa…Ngoài ra đã bố trí 7.840 triệu đồng nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất cho 76 xã để xây dựng 112 mô hình sản xuất như mô hình trồng chuối, chăn nuôi bò, lợn ở Nam Đông, A Lưới; trồng nấm, nuôi cá nước ngọt, lợ trên vùng đầm phá Tam Giang; trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap ở Quảng điền, thị xã Hương Trà.

Theo đánh giá của Ban điều phối chương trình xây dựng NTM của tỉnh, kết quả trên đã cho thấy sự nỗ lực và quyết tâm cao của các cấp ủy đảng, chính quyền từ Tỉnh đến cơ sở. Tuy nhiên, về đánh giá chung thì tính đồng đều và chất lượng quy hoạch giữa các địa phương trong tỉnh chưa cao, còn nhiều bất cập. Công tác quy hoạch chủ yếu coi trọng về đầu tư hạ tầng kỹ thuật, mục tiêu đề ra không có nguồn lực đảm bảo và lộ trình thực hiện; quy hoạch sản xuất chưa chú trọng và bám sát thực tế của địa phương để tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo. Công tác phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn để nâng cao thu nhập chuyển biến còn chậm. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã được quan tâm, nhưng tỷ lệ lao động tìm kiếm được việc làm rất thấp, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu. Đặc biệt tiêu chí hộ nghèo mới có 18/92 xã đạt (19,6%), tiêu chí môi trường có 10/92 xã đạt (10,9%), tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (14,1%)…,đây là những tiêu chí còn có nhiều cách hiểu khác nhau (nhất là tiêu chí hộ nghèo) và cần nhiều nguồn lực đầu tư là một khó khăn lớn cho hầu hết các địa phương trong thực hiện chương trình. 
Dự kiến năm 2014, có thêm 6 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 7 xã (01 xã đạt chuẩn NTM năm 2013); đến năm 2015 có 18 xã đạt chuẩn (nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 25 xã) và năm 2016 tăng thêm 7 xã (nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 32 xã), nguồn vốn đầu tư khoảng 190 tỷ đồng. Riêng năm 2014 cần khoảng 90 tỷ đồng, trong đó 83 tỷ đồng nguồn vốn để hoàn thành các tiêu chí hạ tầng của các xã dự kiến về đích cuối năm 2014 và năm 2015. 
 

Theo ông Nguyễn văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, trong thực hiện chương trình xây dựng NTM, cái khó nhất của miền núi là chỉ tiêu thu nhập, nhưng đối với Nam Đông thì chỉ tiêu này đã cơ bản đạt được. Là vùng đất chủ yếu gò đồi, ngoài vùng chuyên canh cao su, trồng rừng kinh tế thì người dân đã biết làm vườn để cho thu nhập ổn định. Ông Nguyễn Văn Chiến cho hay, trong quá trình triển khai, chiếu theo các tiêu chí xây dựng thì có những bất cập, vướng mắc, một số tiêu chí khó đạt được nếu như không có nguồn lực đầu tư lớn. Ở Nam Đông, dân số mỗi xã thấp, sinh sống không tập trung để đảm bảo tiêu chí sử dụng nước hợp vệ sinh thì phải đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch với nguồn kinh phí lớn, sau khi đua vào sử dụng, nguồn thu không đáng là bao mà nguồn duy tu bảo dưỡng lại rất lớn. Hiện nay, Huyện đang áp dụng thí điểm mô hình nước sạch theo hộ gia đình, với chi phí 4 triệu đồng (nhà nước hỗ trợ 2 triệu đồng) mỗi hộ gia đình có một hệ thống xử lý nước sạch được lấy từ giếng lên vừa đủ dùng cho sinh hoạt mà lại không tốn kém. Ngay tiêu chí thủy lợi cũng vậy, đất sản xuất lúa rất ít, chủ yếu là đất vườn và đồi nên không cần thiết phải đầu tư các công trình thủy lợi, ngoài ra, còn có các tiêu chí như mỗi xã phải có 1 chợ, có HTX là rất khó thực hiện. Hiện nay, Nam Đông có  những xã đã đạt từ 15 đến 17 tiêu chí (ngoài các tiêu chí nêu trên) thì có được xem xét đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới không?. Nếu được xem xét thì năm 2014, Nam Đông có thêm 3 - 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Ở huyện thuần nông Quảng Điền thì lại có những vướng mắc và bất cập khác, ông Hồ Quang Minh, Chủ tịch UBND huyện cho biết, cái khó của địa phương thuần nông là đầu tư cơ sở hạ tầng, gồm đường giao thông, trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng, trạm y tế. Bởi, với mặt độ dân số lớn, trường học đảm bảo tiêu chuẩn thì phải xây dựng mới và quy mô lớn; một thôn có từ 500 hộ dân trở lên thì nhà sinh hoạt cộng đồng được xây dựng với quy mô như thế nào, nếu xây dựng đảm bảo sinh hoạt từ 300 người trở lên thì không có quỹ đất và nguồn đầu tư lớn, chia ra một thôn có hai nhà họp thôn thì không được. Xây dựng đường giao thông nông thôn cũng vậy, đường trong thôn có thể bê tông hóa, chứ đường giao thông phục vụ sản xuất thì chỉ cần cứng hóa là được (bê tông hóa sẽ tốn kém và rất khó có nguồn vốn đầu tư do đường phục vụ sản xuất rất nhiều). Cũng như các vùng nông thôn khác trong tỉnh, Quảng Điền xác định xây dựng NTM phải là từ “vườn đẹp, nhà đẹp, đường không lầy lội”, nhà ở vùng nông thôn không nhất thiết phải tầng hóa mà phải gọn gàng, sạch sẽ và gắn kết với vườn.

Một khó khăn chung cho các địa phương trong tỉnh là nguồn vốn hỗ trợ cho sản suất quá nhỏ lẻ, khi triển khai mô hình sản xuất nào đó (như chăn nuôi, trồng nấm…) thấy có hiệu quả, nhưng chấm dứt mô hình thì rất khó duy trì và phát triển, vì nguồn vốn hỗ trợ không lớn, đầu ra tiêu thụ bấp bênh, lúc tăng lúc giảm. Bên cạnh đó, người dân rất khó tiếp cận các nguồn vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, bởi nguồn vốn vay thấp và nhiều điều kiện đáp ứng để đảm bảo nguồn vay.

Ông Nguyễn Thanh Kiếm, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và xã hội cho biết, đối với tiêu chí hộ nghèo thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, nếu loại trừ các đối tượng bảo trợ xã hội, đây là những đối tượng được hỗ trợ thường xuyên, không có khả năng lao động, thoát nghèo thì số hộ nghèo ỏ các địa phương sẽ giảm, tiêu chí hộ nghèo sẽ đạt được. Muốn đạt tiêu chí về thu nhập thì phải chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng đa nghề để có việc làm thường xuyên cho người lao động, bởi trên một diện tích đất sản xuất nếu có đầu tư cũng cho giá trị không lớn, vì vậy các địa phương cần phải rà soát để tính toán đúng, phù hợp với điều kiện thực tế để đạt được các tiêu chí.        

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trường Lưu cho rằng, những khó khăn, vướng mắc nêu trên đã cho thấy sự quan tâm và cùng vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương. Quan điểm của Tỉnh là ngoài nguồn lực đầu tư của Trung ương, cái chính là phải phát huy tối đa nội lực địa phương, nhất là nội lực ngay trong nhân dân, người dân phải là chủ thể thực hiện chương trình này. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, các địa phương không nên cứng nhắc mà phải “mềm hóa” các tiêu chí, đồng thời phải rà soát kỹ các kế hoạch, chương trình, dự án để lồng ghép các nguồn lực để điều chỉnh, ưu tiên đầu tư cho phù hợp. Thời gian từ nay đến hết năm 2015 không còn nhiều, trong khi đó mục tiêu đề ra là đến năm 2015 có 25 xã đạt chuẩn NTM làm tiền đề cho giai đoạn 2016 - 2020. Do đó, các địa phương cần tập trung rà soát các danh mục thực hiện và đầu tư nhằm thống nhất ưu tiêu trong đầu tư; đối với các tiêu chí “phi nguồn lực” cần đánh giá cụ thể tại sao không thực hiện được, đồng thời nhân rộng các mô hình, cách làm hay của từng thôn, từng xã và dành khoản kinh phí cho công tác khen thưởng cho những thôn, bản, xã điển hình trong thực hiện chương trình xây dựng NTM.

 Nguồn thuathienhue.gov

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng