Kinh tế và phát triển
Để Huế trở thành đô thị di sản văn hóa đặc sắc khu vực Đông Nam Á
08:54 | 26/05/2014

GS Sử học Lê Văn Lan cho rằng biệc xây dựng và phát triển đô thị Huế nhưng không được ồ ạt, thương mại hóa quá mức làm mất đi vẻ đẹp xinh xắn, mộng mơ, quyến rũ của Huế bởi không ai muốn ôm một Huế quá rộng lớn, quá mạnh mẽ.

Để Huế trở thành đô thị di sản văn hóa đặc sắc khu vực Đông Nam Á

Xây dựng thương hiệu hình ảnh cho Huế

Thừa Thiên Huế là tỉnh có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, là nơi hôi tụ, giao thoa của nhiều của nhiều nền văn hóa Bắc, Nam. Thừa Thiên Huế còn là một trong những trung tâm văn hóa đặc sắc của Việt Nam với 2 di sản văn hóa thế giới là Quần thể di tích cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có vịnh Lăng Cô được bình chọn là một trong những vịnh đẹp và hấp dẫn nhất thế giới

GS sử học Lê Văn Lan cho rằng Huế hội tụ đầy đủ các yếu tố về vị trí địa lí, lịch sử văn hóa để hình thành một đô thị văn hóa tầm cỡ khu vực và cả thế giới. Huế nằm ở điểm giao cắt giữa Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo, từ Huế mở ra nhiều đầu mối giao lưu kinh tế, văn hóa, giáo dục giữa các nước trong khu vực.

TS. Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng điều cần thiết cho Huế lúc này là một thương hiệu, một thương hiệu gắn bó mật thiết với những đặc trưng của Huế bây giờ. Từ đó mới tiến tới xây dựng trở thành đô thị văn hóa đặc sắc của cả khu vực về thế giới. 

TS. Phạm Sĩ Liêm nhận định, Huế ngày nay đã có cơ cấu kinh tế tiên tiến, năm 2014 dự kiến tỷ trọng nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ tương ứng là 10,3% - 35,7% - 54%. Tỷ lệ đô thị hóa của Thừa Thiên Huế  năm 2012 là 48,3% cao hơn tỷ lệ đô thị hóa cùng kỳ ở Hà Nội là 42,8%. Huế có nhiều thế mạnh về thiên nhiên, phong cảnh hữu tình, tài nguyên, văn hóa, giáo dục, y tế. Tuy nhiên, trong chiến lược phát triển của Huế, di sản lịch sử và văn hóa chính là thế mạnh giúp tạo ra thương hiệu đô thị, rất cần thiết cho các hoạt động tiếp thị đô thị và nâng cao năng lực cạnh tranh đô thị.

TS. Phạm Sĩ Liêm nhấn mạnh, khi xây dựng thương hiệu và hình ảnh của Huế, phải đồng thời đưa ra được các giá trị cốt lõi của Huế với 3 chỗ dựa then chốt là di sản lịch sử văn hóa, phong cảnh hữu tình và nguồn nhân lực có chất lượng, hay rộng hơn nữa là của "nguồn vốn xã hội" của đất thần kinh. 

Để tạo hiệu ứng thị giác cho thương hiệu, thành phố Huế cũng cần có biểu trưng (logo) của mình. Xây dựng, quản lý, quảng bá thương hiệu cũng là những yếu tố hết sức quan trọng.

Tại hội thảo "Xây dựng và phát triển Huế - đô thị di sản văn hóa đặc sắc khu vực Đông Nam Á", nhiều các đại biểu đến từ các cơ quan chức năng: cục di sản, Bộ y tế, Xây dựng, giáo dục... đã đưa ra các đề xuất, giải pháp thiết thực góp phần định hướng, xây dựng Huế trở thành một trung tâm đô thị lớn phát triển toàn diện về văn hóa, giáo dục, kinh tế, an ninh quốc phòng xứng tầm. Phần đông các đại biểu đều cho rằng Huế có một vị trí chiến lược đặc biệt trong việc phát triển kinh tế trong liên kết vùng. Đây là cơ sở cũng như tiềm lực để phát triển những giá trị đặc sắc, quảng bá Huế đến đông đảo bạn bè thế giới.

PGS. TS Phạm Trung Lương, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển du lịch - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ rõ những hướng đi quan trọng để Huế trở thành một thành phố du lịch: Thành phố Huế phải thuận lợi trong tiếp cận; phải có sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn; phải có các hoạt động vui chơi, giải trí hấp dẫn và phải có môi trường tốt…

Phát triển nhưng phải gắn với bảo tồn

Việc phát triển Huế thành đô thị là đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện cần hết sức khéo léo để không mất đi những giá trị hiếm có, hiếm thấy của Huế bây giờ. GS. Sử học Lê Văn Lan bày tỏ không muốn Huế phát triển ồ ạt, quy hoạch rộng lớn bởi vì "Huế xưa nay vốn nổi tiếng xinh đẹp, mộng mơ, quyến rũ mà ai gặp cũng muốn ôm vào lòng. Nếu như Huế quá lớn, quá mạnh mẽ sẽ làm cho người ta có một ý nghĩ khác về Huế ngay trong tiềm thức".

Nói về góc độ phát triển gắn với bảo tồn di sản Huế, TS. Nguyễn Thế Hùng, Cục Di sản Văn hóa - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ rõ việc cần ngay là tạo ý thức chung về trách nhiệm bảo tồn di sản trong mỗi người dân và cấp ủy, chính quyền các cấp; xác định bảo tồn di sản là một bộ phận hữu cơ của hệ thống cấu kết các chính sách phát triển kinh tế và xã hội; nhận diện yếu tố cấu thành di sản đô thị bằng mọi phương pháp khoa học đa ngành. 

Theo đó nguyên tắc cơ bản phù hợp với đặc điểm riêng của địa phương cần được nghiên cứu, ban hành và biến những di sản Huế trở thành những sản phẩm văn hóa độc đáo, sản phẩm du lịch bền vững.

Theo Hướng Dương (PLO)

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng