Với tiềm năng lợi thế về địa lý kinh tế, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, Lăng Cô trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trên Con đường Di sản miền Trung, trên trục hành lang kinh tế Đông Tây; kết nối với bạn bè quốc tế bằng tuyến đường biển qua cảng Chân Mây. Từ tháng 5 năm 2009 Lăng Cô được tổ chức Worldbays Club bình chọn là một trong những Vịnh biển đẹp nhất thế giới. Sau 5 năm, Lăng Cô có những chuyển biến phát triển khá mạnh mẽ về kinh tế xã hội, đặc biệt là dịch vụ du lịch, thu hút hấp dẫn những nhà đầu tư lớn đến với Lăng Cô.
Với những giá trị của vùng sinh thái biển và tiềm năng lớn để phát triển du lịch của Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn xác định việc đảm bảo tăng trưởng phải gắn với phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái. Chính những yếu tố này đã hội đủ để vịnh Lăng Cô được bình chọn là một trong những Vịnh biển đẹp nhất thế giới năm 2009. Những năm qua tỉnh, ngành du lịch quan tâm hơn trong việc quảng bá, khai thác, gìn giữ môi trường cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của vịnh biển; phát huy lợi thế tiềm năng của vùng đất này để phát triển mạnh mẽ hơn lĩnh vực dịch vụ du lịch. Các doanh nghiệp và người dân Lăng Cô tập trung đầu tư phát triển hệ thống dịch vụ nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ. Một số doanh nghiệp đến vùng đất này từ rất sớm như Thanh Tâm, Hương Giang – Lăng Cô, Cố Đô – Lăng Cô…ngày càng phát triển qui mô, đa dạng sản phẩm dịch vụ, khẳng định thương hiệu và uy tín chất lượng của mình, kết nối các điểm du lịch sinh thái trong tam giác vàng du lịch Bạch Mã – Cảnh Dương – Lăng Cô và vùng đầm phá Tam Giang Cầu Hai, nhằm thu hút du khách. Ông Nguyễn Ngọc Thanh – Chủ tịch HĐQT Cty TNHH dịch vụ Du lịch Thanh Tâm, một trong những doanh nghiệp du lịch có mặt tại Lăng Cô khá sớm và đang ngày càng ăn nên làm ra tại khu du lịch này, chia sẻ: Lăng Cô đang ngày càng khởi sắc, nhất là lĩnh vực dịch vụ du lịch. Chúng tôi đang tích cực tham gia những hoạt động kỷ niệm 5 năm Lăng Cô được công nhận là một trong những Vịnh biển đẹp nhất thế giới. Đó là niềm vinh dự của chúng tôi, thời gian qua chúng tôi cùng các doanh nghiệp bạn và người dân thị trấn Lăng Cô nỗ lực trong đầu tư phát triển dịch vụ, phục vụ khách du lịch và góp phần bảo vệ môi trường cảnh quan của vịnh biển. Chúng tôi luôn ý thức nâng cao chất lượng phục vụ, ngay trong mùa du lịch hè này Thanh Tâm kết nối tuyến Lăng Cô – Bạch Mã tạo sự đa dạng cho sản phẩm du lịch.
Còn tại khu du lịch Lăng Cô Beach Resort, ông Trần Văn Hồng - GĐ Cty du lịch Hương Giang - Lăng Cô cho biết, năm 2013 công ty đầu tư hoàn thành giai đoạn hai thêm 10 biệt thự với 30 phòng nghỉ cao cấp, tịên nghi hướng ra biển và những hạng mục phụ trợ khác với kinh phí 30 tỉ đồng, đã đưa vào phục vụ đón khách, nâng tổng số phòng của Khu du lịch biển này lên 114 phòng, cùng các dịch vụ chất lượng đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách và hướng đến thị trường bất động sản du lịch. Công suất những tháng cao điểm hè đạt trên 90%.
Từ sau khi Lăng Cô được bình chọn là một trong những vịnh biển đẹp thế giới, Khu du lịch Lăng Cô kết nối cùng Cảnh Dương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một trong 4 khu du lịch quốc gia nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Bắc Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Tỉnh TT Huế chú trọng việc quy hoạch phát triển để Lăng Cô trở thành đô thị phát triển dịch vụ du lịch biển năng động phía Nam của tỉnh. Với thương hiệu vịnh đẹp thế giới, Lăng Cô thu hút các nhà đầu tư lớn đến với Chân Mây – Lăng Cô, điển hình là dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế Laguna Lăng Cô của tập đoàn Banyan Tree, đã thực hiện hơn 500 triệu USD. Laguna Lăng Cô khai thác lợi thế và tiềm năng biển để tạo sự độc đáo cho sản phẩm du lịch, trở thành điểm đến nghỉ dưỡng biển đẳng cấp quốc tế tại Chân Mây – Lăng Cô. Ông Ravi Chandran - TGĐ điều hành Laguna Lăng Cô cho biết, điểm nhấn của Laguna Lăng Cô là nằm trọn vẹn trên vịnh biển, một địa thế độc đáo tạo nên sự riêng tư hiếm có cho toàn khu nghỉ dưỡng, lại gần vịnh biển đẹp thế giới Lăng Cô. Do vậy tất cả các công trình xây dựng chúng tôi đều dựa vào địa hình tự nhiên và khai thác tối đa thế mạnh của biển và sức hấp dẫn của thương hiệu vịnh biển đẹp Lăng Cô.
Tại khu du lịch Lăng Cô hiện có 6 khu du lịch tổng hợp, 45 khách sạn, nhà nghỉ hoạt động với khoảng 1.200 phòng, 1.800 giường, cùng hàng chục nhà hàng ăn uống phục vụ du khách. Lượng khách du lịch tăng bình quân hàng năm trên 25%, doanh thu tăng bình quân 20%. Số lượng khách đến Lăng Cô chiếm 16% tổng lượt khách đến TT Huế. Đội ngũ nhân viên ngành du lịch tăng nhanh và ngày càng chuyên nghiệp hơn. Lăng Cô còn có 20 dự án du lịch đã được cấp phép với vốn đăng ký hơn 10 ngàn tỷ đồng đang tiếp tục triển khai đầu tư. 5 năm là quãng thời gian để có thể nhìn nhận, đánh giá lại những hiệu quả mà danh hiệu vịnh biển đẹp thế giới mang lại cho vùng đất tươi đẹp này, để tiếp tục phát huy, khai thác hiệu quả hơn trong thời gian tới. Ông Phan Tiến Dũng - GĐ Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch cho biết, thời gian tới Sở sẽ tiếp tục liên kết với các địa phương vùng Trung Bộ, trên Con đường Di sản miền Trung, các điểm du lịch trên Hành lang kinh tế Đông – Tây để quảng bá thương hiệu du lịch Lăng Cô. Đồng thời tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo sự phát triển nhanh chóng hơn cho đô thị Lăng Cô, từ đó kết nối với Bạch Mã – Cảng Chân Mây tạo thành tam giác phát triển về du lịch văn hóa, du lịch sinh thái. Ngành du lịch cũng sẽ chú trọng việc đào tạo chuyên nghiệp hóa đội ngũ làm dịch vụ du lịch trong các doanh nghiệp và người dân Lăng Cô, góp phần làm tăng giá trị thương hiệu Lăng Cô trong thời gian tới. Điều quan trọng là cần tạo thêm những dịch vụ cao cấp, sản phẩm du lịch đa dạng hơn tại khu vực Lăng Cô – Bạch Mã, có như vậy mới thu hút nhiều hơn lượng khách đến với khu du lịch này.
Để Lăng Cô trở thành khu du lịch thực sự hấp dẫn du khách, đô thị Lăng Cô cần tiếp tục đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo thêm các dịch vụ vui chơi giải trí tương xứng. Người dân Lăng Cô cần thay đổi để thích ứng với sự chuyển mình của vùng đất năng động này; đồng thời thực hịên tốt vịêc quản lý, khai thác du lịch bên Vịnh đẹp thế giới, như vấn đề qui hoạch, quản lý đất đai, mặt biển, mặt đầm phá đối với các công trình, dự án làm ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan. Đặc biệt là cần thúc đẩy tiến độ các dự án, công trình xây dựng du lịch, dịch vụ biển, đầm phá đang chậm tiến độ tại khu du lịch này.
Nguồn TRT