Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực phấn đấu để sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, nhằm phát huy hơn nữa vị thế, vai trò chiến lược của tỉnh trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Với hạt nhân là thành phố Huế, tỉnh chủ trương phát triển thành một đô thị hiện đại, hài hòa, bền vững, mang những nét đặc trưng riêng biệt của một cố đô xưa.
Đảm nhận chức năng liên kết vùng
Nằm ở vị trí trung độ của đất nước, giữa Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời nằm trên trục giao thông xuyên Bắc - Nam, Huế có một vị chí địa lý chiến lược quan trọng, tạo tiền đề để tỉnh phát triển sản xuất, mở rộng giao lưu hàng hóa, không chỉ với các địa phương trong vùng mà còn với cả nước và quốc tế. Đánh giá cao vai trò liên kết vùng của Thừa Thiên Huế, cụ thể là nối vùng Bắc Trung bộ với vùng duyên hải miền Trung và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thành một chuỗi những đô thị phát triển, theo PGS.TS Trần Đình Thiên, việc đồng thời là thành viên của nhiều vùng kinh tế đưa Thừa Thiên Huế trở thành địa phương có chức năng địa kinh tế độc nhất vô nhị. Ngoài chức năng liên kết phát triển vùng giống như bất cứ tỉnh nào của duyên hải miền Trung, Thừa Thiên Huế còn có vị thế liên kết vùng một cách tự nhiên. Hơn thế, Thừa Thiên Huế còn là giao điểm của nhiều trục phát triển thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây (chạy qua 4 nước Việt Nam - Lào - Myanmar - Thái Lan, là tuyến đường bộ duy nhất nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương). Tuyến hành lang này là tiền đề của sự hình thành và phát triển các tuyến hành lang kinh tế khác ở miền Trung, đặc biệt là tuyến hành lang du lịch Phong Nha (Quảng Bình) - Thành cổ (Quảng Trị) - Cố đô, Bạch Mã, Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) - Sơn Trà, Bà Nà (Đà Nẵng) - Hội An, Mỹ Sơn (Quảng Nam).
Các chuyên gia nhận định: Tăng cường liên kết, chú trọng dịch vụ, du lịch một cách có chiến lược không những sẽ tạo động lực phát triển cho Thừa Thiên Huế mà còn cho cả các tỉnh tham gia liên kết.
Theo TS.KTS Trương Văn Quảng (Viện Quy hoạch Đô thị Nông thôn Quốc gia), phát triển không gian vùng tỉnh Thừa Thiên Huế đặt trong mối quan hệ với vùng Bắc Trung bộ và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là mối quan hệ hợp tác tương hỗ, chia sẻ chức năng vùng và cùng nhau phát triển nhằm khai tác tối đa tiềm năng về kinh tế biển. Huế cùng vùng Đà Nẵng, Quy Nhơn và khu kinh tế Dung Quất, Chu Lai đã trở thành cực kinh tế quan trọng thúc đẩy kinh tế khu vực miền Trung.
Đô thị sinh thái đặc trưng của cả nước
Nếu tỉnh Thừa Thiên Huế được ghi nhận là có nhiều động lực phát triển nhờ liên kết vùng thì hạt nhân - thành phố Huế - lại sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển thành đô thị di sản, đô thị sinh thái. Không chỉ là một trong những trung tâm văn hóa đặc sắc của Việt Nam, Huế còn là một thành phố di sản của nhân loại, với 2 di sản văn hóa thế giới là quần thể di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế. Vì vậy, việc xây dựng và phát triển TP Huế để vừa mang tính bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử, vừa mang tầm vóc của một đô thị hiện đại, trực thuộc Trung ương là điều mà lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như nhiều chuyên gia đặc biệt quan tâm.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao cho biết: Sẽ không xây dựng Thừa Thiên Huế thành một đô thị với những tòa nhà cao tầng, những KCN tiếp nối và mật độ dân cư đông đúc, mà phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, giảm áp lực dân cư đô thị, hạn chế can thiệp vào kiến trúc, cảnh quan. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ lấy dịch vụ, du lịch và các thế mạnh về văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ làm động lực phát triển.
Đồng tình với quan điểm phát triển một cách hài hòa, bền vững mà thành phố Huế đang tập trung hướng tới, TS Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhận định: Vì là đô thị đặc thù về văn hóa, du lịch, sinh thái nên trong tổ chức đô thị, Huế không nên tập trung nhà cao ốc, dân cư cần phân tán theo mô hình nhà vườn sinh thái. Ngoài ra, quy hoạch thành phố Huế cần liên kết các đô thị nhỏ được bố trí hài hòa như Hương Trà, Hương Thủy, Lăng Cô - Chân Mây, A Lưới...
Ở khu vực bắc sông Hương, thành phố Huế hiện nay còn lưu giữ được nhiều khu nhà vườn độc đáo, có giá trị to lớn về mặt văn hóa truyền thống của một Kinh đô xưa, do vậy nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc quy hoạch cho rằng Thừa Thiên Huế nên tập trung quy hoạch, nâng cấp và bảo vệ các khu nhà vườn này, nhằm xây dựng thành phố Huế thành đô thị sinh thái đặc trưng của cả nước.
Theo ông Nguyễn Đăng Sơn - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, trong xây dựng, thành phố Huế phải chú ý đến yếu tố thành phố vườn. Huế cần được quy hoạch xây dựng với không gian xanh và vành đai xanh, các phân khu chức năng được xây dựng tách biệt. “Ngoài việc bảo tồn không gian văn hóa nghệ thuật kiến trúc, chúng ta cũng cần bảo tồn không gian tự nhiên từ các thành tố cấu thành đô thị như không gian sông Hương, không gian nhà vườn và hình thái đô thị - nông thôn cũng như không gian văn hóa lịch sử Huế”, ông Sơn nói.
Theo Báo Xây dựng