Kinh tế và phát triển
Du lịch Lăng Cô khẳng định thương hiệu
09:17 | 04/06/2014

Được tổ chức Worldbays Club bình chọn là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới năm 2009, từ đó đến nay du lịch Lăng Cô ngày càng trở nên hấp dẫn, sôi động hơn, khẳng định được thương hiệu sau 5 năm trở thành vịnh đẹp thế giới.

Du lịch Lăng Cô khẳng định thương hiệu

Những ngày hè, khi nhiệt độ trong vùng có ngày lên tới 39-40 độ C, thì khí hậu ở Lăng Cô chỉ vào khoảng 30-35 độ C, hết sức lý tưởng. Với bãi cát trắng trải dài hơn 10km, có làn nước biển trong xanh tuyệt đẹp, bên cạnh những cánh rừng nhiệt đới rộng lớn trên các dãy núi nhấp nhô của Hải Vân vươn ra sát biển, vì thế, từ lâu Lăng Cô nổi tiếng là một bãi biển có các điều kiện tự nhiên và phong cảnh đẹp, hấp dẫn du khách.

Nằm liền kề bãi tắm Lăng Cô là đầm Lập An rộng lớn đầy vẻ huyền bí, đa dạng các loại hải sản như tôm, cua, ốc hương, sò huyết... Chạy dọc theo chân núi Hải Vân, biển Lăng Cô có dải san hô, tôm hùm và nhiều loại hải sản có giá trị cao. Lăng Cô nằm dọc Quốc lộ 1A; có tour du lịch Huế tham quan hầm đường bộ Hải Vân, vào Đà Nẵng mua sắm và ngược ra nghỉ đêm tại Lăng Cô trước khi về lại Huế nên luôn luôn thu hút khách thập phương.

Khai thác tiềm năng lợi thế về địa lý kinh tế, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, biến Lăng Cô trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trên Con đường Di sản miền Trung, và trục hành lang kinh tế Đông Tây; đặc biệt, kết nối với bạn bè quốc tế bằng tuyến đường biển qua cảng Chân Mây. Tại khu du lịch Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện đã đầu tư 6 khu du lịch tổng hợp, 45 khách sạn, nhà nghỉ hoạt động với khoảng 1.200 phòng, 1.800 giường, cùng hàng chục nhà hàng ăn uống phục vụ du khách.

Với thương hiệu vịnh đẹp thế giới, Lăng Cô thu hút các nhà đầu tư lớn đến với Chân Mây - Lăng Cô, điển hình là dự án khu phức hợp nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế Laguna Lăng Cô của tập đoàn Banyan Tree, với tổng vốn đầu tư 850 triệu USD, đến nay đã thực hiện hơn 500 triệu USD. Laguna Lăng Cô khai thác lợi thế và tiềm năng biển để tạo sự độc đáo cho sản phẩm du lịch, trở thành điểm đến nghỉ dưỡng biển đẳng cấp quốc tế tại Chân Mây - Lăng Cô.

Công ty cổ phần du lịch Hương Giang đầu tư 65 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà nghỉ có quy mô 60 phòng trên diện tích rộng hơn 10.000m2, với nhiều ngôi nhà theo dạng biệt thự hướng ra biển, theo tiêu chuẩn quốc tế 4 sao, đầy đủ tiện nghi, phục vụ ăn uống, vui chơi, giải trí, thể thao, hội họp chất lượng đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách và hướng đến thị trường bất động sản du lịch. Công suất những tháng cao điểm hè tại đây đạt từ 90-100%.

Công ty TNHH du lịch dịch vụ Thanh Tâm đã đầu tư hàng chục tỷ đồng; xây dựng và nâng cấp bãi tắm, xây dựng lại nhà hàng, thiết kế sân khấu, nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan, nghỉ dưỡng và tắm biển. Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng khu du lịch kết hợp với nghỉ mát phục vụ cho công nhân viên chức,lao động trong toàn tỉnh. Công ty Cổ phần Du lịch Đảo Ngọc đã hoàn thiện hệ thống nhà nổi trên đầm Lập An với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng.

Điều đáng ghi nhận trong thời gian qua, tại Lăng Cô đã thực hiện dự án cải thiện môi trường bằng hệ thống thu gom nước thải trị giá trên 9 triệu USD từ nguồn vốn vay, trong đó có 20% ngân sách của tỉnh. Thị trấn cũng vừa thành lập HTX thu gom rác thải sinh hoạt cho 12.000 dân trong vùng do cộng đồng quản lý.

Khu du lịch Lăng Cô hiện đã thu hút đông khách du lịch đến thăm quan, nghỉ dưỡng, chiếm 16% tổng lượt khách đến Thừa Thiên - Huế. Từ đầu năm đến nay, cảng Chân Mây còn đón khách du lịch bằng tàu biển đến Huế với 26 chuyến tàu cập cảng, tổng cộng hơn 22.944 lượt khách, chủ yếu là khách đến từ Hồng Công, Ý, Tây Ban Nha, Anh, Mỹ, Canada, Australia... Vào các dịp hè, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 các khách sạn ở Chân Mây - Lăng Cô đều kín chỗ; còn lại bình thường tỉ lệ buồng phòng khai thác ở đây bình quân đạt 70%.

Ông Phan Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch Thừa Thiên - Huế cho biết, thời gian tới tỉnh tiếp tục liên kết với các địa phương vùng để quảng bá thương hiệu du lịch Lăng Cô. Đồng thời, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo sự phát triển nhanh chóng hơn cho đô thị Lăng Cô, từ đó kết nối với Bạch Mã - cảng Chân Mây tạo thành tam giác phát triển về du lịch văn hóa, du lịch sinh thái trên tour du lịch "Con đường Di sản miền Trung", và với các điểm du lịch trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.

Theo Báo tin tức

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng