Kinh tế và phát triển
Xây dựng và phát triển Huế - đô thị di sản văn hoá đặc sắc khu vực Đông Nam Á: Khó, nhưng không bất khả thi
15:03 | 10/06/2014

Mới đây, tại Hà Nội, hội thảo khoa học "Xây dựng và phát triển Huế - đô thị di sản văn hoá đặc sắc khu vực Đông Nam Á" đã được tổ chức với sự phối hợp của Bộ Nội vụ, Bộ VHTTDL, Tổng Hội Xây dựng VN và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (ảnh). Hội thảo quan trọng này góp phần giúp Thừa Thiên Huế hoàn chỉnh những cơ sở lý luận về hướng phát triển của tỉnh trong lộ trình trở thành thành phố trực thuộc trung ương. 

Thừa Thiên Huế nằm ở vị trí trung độ của VN, có bề dày lịch sử lâu đời, là trung tâm văn hoá lớn và đặc sắc của nước ta, có 2 di sản văn hoá thế giới (quần thể di tích cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế), đồng thời có Lăng Cô là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới. Nơi đây đã tổ chức 8 kỳ Festival Huế, góp phần quảng bá nét đẹp của Huế và con người, đất nước VN với bạn bè quốc tế, là điểm hẹn của di sản văn hoá và nghệ thuật đương đại của Huế, của VN và nhiều nền văn hoá trên thế giới. Thừa Thiên Huế còn là nơi hội tụ những tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh hơn, là trung tâm y tế và GDĐT chuyên sâu, đa ngành của khu vực miền Trung, là cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung và cả nước, là trọng điểm về quốc phòng - an ninh quốc gia...

Đánh giá về di sản văn hoá Phú Xuân - Huế, ông Amadou Mahtar M`Bow - nguyên Tổng GĐ UNESCO - từng nhận xét, đại ý: "Những người đầu tiên xây dựng Huế đã có dụng ý đóng khung Huế trong phong cảnh kỳ diệu...Họ đã sáng tạo ra một kiến trúc tinh vi, trong đó mỗi yếu tố đều bắt nguồn từ thiên nhiên gần gũi...Huế không chỉ là một mẫu mực về kiến trúc mà còn là một cao điểm về tinh thần và một trung tâm văn hoá sôi động - ở đó, đạo Phật và đạo Khổng đã thấm sâu, hoà nhuyễn vào truyền thống địa phương, nuôi dưỡng một tư tưởng tôn giáo, triết học và đạo lý hết sức độc đáo...".

Bởi những ưu thế đó, nên người dân Thừa Thiên Huế có quyền tự hào về mảnh đất mình đã và đang sinh sống. Nhưng thực tế cũng cho thấy, do thuộc tính "sống chậm" của cư dân địa phương và bởi sự mất cân đối nghiêm trọng giữa các nguồn lực phát triển của tỉnh, nên mức tăng trưởng kinh tế của Thừa Thiên Huế còn tương đối thấp. Để Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trong tương lai gần, phát triển đô thị một cách bền vững trên cơ sở thế mạnh đặc trưng của địa phương, theo mô hình: Thành phố di sản, văn hoá, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường, tỉnh còn nhiều việc phải làm. Trong khi đó, thực trạng hiện cho thấy di sản văn hoá Huế đang đứng những thử thách khốc liệt của cơ chế thị trường, của quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá...

Theo TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng VN - Thừa Thiên Huế cần tham khảo kinh nghiệm phát triển của một số vùng ở Nhật Bản (như Kyoto, Osaka, Kobe) hay Đà Nẵng, để định hướng phát triển với sự kết hợp với TP.Đà Nẵng thành cặp đô thị lịch sử văn hoá và kinh tế có năng lực cạnh tranh tổng hợp cao, hình thành nhân lõi phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm Trung Bộ kéo dài từ Quảng Trị đến Bình Định, liên kết với Tây Nguyên, Hạ Lào và ngã ba Đông Dương, kết nối tuyến du lịch di sản Huế - Mỹ Sơn - Hội An và cùng phối hợp phát triển khu du lịch đèo Hải Vân, hình thành bộ ba danh thắng núi, gồm Bạch Mã, Hải Vân và Bà Nà chen giữa 2 khu du lịch biển Lăng Cô và Non Nước.

Hầm Hải Vân sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho việc hình thành cặp đô thị này. Trong chiến lược phát triển của Thừa Thiên Huế, di sản lịch sử và văn hoá chính là thế mạnh giúp tạo thương hiệu đô thị, rất cần thiết cho hoạt động tiếp thị đô thị và nâng cao năng lực cạnh tranh đô thị. Việc quảng bá thương hiệu đô thị cần phải được tiến hành một cách bài bản, khoa học. Thương hiệu của Huế phải gắn kết mật thiết với hình ảnh của một cố đô, một trung tâm Phật giáo quan trọng, một thành phố du lịch và festival đặc sắc, một trung tâm giáo dục và y tế nổi tiếng và cuối cùng là một trung tâm công nghiệp công nghệ cao năng động.

Rõ ràng, trong tương lai, việc chuyển đổi tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố Huế trực thuộc trung ương sẽ là cơ hội rất tốt cho sự bảo tồn và phát triển nhảy vọt của Huế, để Huế trở thành một đô thị di sản văn hoá đặc sắc khu vực Đông Nam Á. Dĩ nhiên, để hy vọng trở thành hiện thực là một nhiệm vụ khó, nhưng không bất khả thi, một khi từ trung ương đến địa phương có những giải pháp, hành động hữu hiệu.

Theo laodong.com

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng