Kinh tế và phát triển
Mô hình thí điểm khai thác cát, sỏi trên sông Bồ: nhiều ưu điểm, phù hợp nhất trong tình hình hiện nay
09:38 | 16/06/2014

Chiều ngày 13/6, đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị đánh giá mô hình thí điểm khai thác cát, sỏi trên sông Bồ thuộc địa bàn phường Hương Vân, thị xã Hương Trà.

 

Mô hình thí điểm khai thác cát, sỏi trên sông Bồ: nhiều ưu điểm, phù hợp nhất trong tình hình hiện nay
Ảnh minh họa (internet)

Theo báo cáo của lãnh đạo UBND thị xã Hương Trà, phương án quản lý khai thác cát, sỏi tập trung ở lòng sông Bồ sau nhiều lần tổ chức lấy ý kiến của các cấp, các ngành, các địa phương, ngày 02/12/2013 UBND thị xã ban hành quy định quản lý khai thác cát, sỏi tập trung ở lòng sông Bồ và thành lập Ban quản lý khai thác cát, sỏi trên sông Bồ, thuộc địa phận phường Hương Vân để triển khai thí điểm.

Theo đó, địa điểm khai thác thực hiện cách cầu Hiền Sĩ 150m về phía thượng nguồn đến bãi bồi thôn Lại Bằng, phường Hương Vân, chiều dài khoảng 1,4km; diện tích khai thác 10,6 ha; khối lượng khai thác gần 160 ngàn m3; tần xuất khai thác 52 thuyền/ngày, mỗi thuyền khai thác 2 chuyến/ngày. Đây là mô hình bãi khai thác cộng đồng, do UBND phường quản lý điều hành.

Ông Nguyễn Xuân, Chủ tịch UBND phường Hương Vân cho biết UBND phường thành lập Ban quản lý gồm 5 thành viên do Chủ tịch UBND phường làm Trưởng ban và đã thành lập Tổ kiểm tra giám sát 6 thành viên có nhiệm vụ thực hiện tốt phương án quản lý khai thác cát, sạn. Có 52 thuyền đăng ký khai thác được đánh số thứ tự để dễ quản lý, kiểm tra. Các hộ được khai thác có nghĩa vụ đóng thuế tài nguyên và phí môi trường. Sau 5 tháng triển khai, mô hình Ban quản lý của phường đã hoạt động hiệu quả và đi vào nề nếp, giải quyết được công ăn việc làm cho 200 lao động, và không còn tình trạng khai thác trái phép, khai thác ban đêm gây mất trật, khai thác gần bờ.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà cho rằng, qua thời gian thí điểm, mô hình giao bãi khai thác sát sỏi trên sông Bồ cho cộng đồng nhân dân khai thác đặt dưới sự quản lý của chính quyền cơ sở là rất hợp lý, góp phần giải quyết sinh kế, tạo cộng ăn việc làm cho người dân, thuận lợi thu thuế và thu phí, quản lý được phương tiện đò thuyền khai thác, khống chế tình trạng khai thác cát sỏi trái phép.
Tại hội nghị, các sở, ngành, địa phương cho ý kiến đánh giá cụ thể về các mặt tích cực và tồn tại trong mô hình giao bãi khai thác cát sỏi cho cộng đồng đang thực hiện tại phường Hương Vân. Nhìn chung đều đánh giá cao mô hình này và xem đây là bài học để các địa phương khác trên địa bàn tỉnh áp dụng để quản lý việc khai thác cát sỏi tại địa phương mình. Đồng thời, các sở, ngành và địa phương cũng tập trung thảo luận các phương án quản lý khai thác theo các loại hình khai thác như doanh nghiệp hợp tác xã, tổ hợp tác cộng đồng…

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, nếu áp dụng mô hình giao bãi khai thác cát sỏi trên sông cho cộng đồng, phải có căn cứ về địa hình đấy sông để chứng minh là nơi cần được khơi thông dòng chảy để giao cho cộng đồng thực hiện khơi thông kết hợp tận thu cát sỏi trên sông.

Kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng đây là mô hình có nhiều ưu điểm, phù hợp nhất trong tình hình hiện nay, giúp cho địa phương quản lý tốt tài nguyên và các vấn đề an ninh trật tự và giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định tại địa phương. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vướn mắc về cơ chế trong mô hình này cần được nghiên cứu giải quyết cụ thể.

Để tổng kết và nhân rộng mô hình này, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát các bãi cát, sỏi trên địa bàn tỉnh để đưa ra danh mục các bãi khai thác cộng đồng trên cơ sở căn cứ địa hình, bãi bồi dòng sông, trữ lượng,…  trình UBND tỉnh phê duyệt để các địa phương có sơ sở thực hiện. Mô hình quản lý là địa phương cấp xã và liên xã, đối tượng được vào khai thác là những người dân chuyên làm nghề khai thác cát sỏi thủ công.

Theo thuathienhue.gov

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng