Kinh tế và phát triển
MTTQ tỉnh Thừa Thiên - Huế: Phấn đấu vì một thành phố trực thuộc Trung ương
09:23 | 25/06/2014

5 năm thực hiện kết luận số 48 của Bộ Chính trị về việc sớm đưa Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương 2009-2014, cũng là 5 năm UBMTTQ tỉnh Thừa Thiên - Huế kết thúc một nhiệm kỳ thành công khi cùng với Đảng, Chính quyền khẳng định vị thế của Thừa Thiên - Huế ở nhiều lĩnh vực. Nhờ đó, Huế đang đổi thay không chỉ từ làng quê lên đến thành phố, mà còn đổi thay trong cả tư duy, cách nghĩ của mỗi người. 

MTTQ tỉnh Thừa Thiên - Huế: Phấn đấu vì một thành phố trực thuộc Trung ương

Trước thềm Đại hội MTTQ tỉnh Thừa Thiên - Huế lần thứ VIII, ông Trần Phùng - Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có cuộc trò chuyện với Đại Đoàn Kết.

Đổi thay từ tư duy và cách nghĩ

PV: Thưa ông, sống và làm việc ở một nơi được mệnh danh là quê hương của di sản đang phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, người làm công tác Mặt trận tỉnh Thừa Thiên - Huế  phải chịu những "áp lực” nào?

Ông Trần Phùng: Áp lực của một thành phố di sản với 1.500 khu dân cư đã và đang đặt lên vai những người làm công tác Mặt trận Thừa Thiên - Huế nhiều trăn trở, lo lắng. Trong thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã vươn lên vị trí thứ 2 trên 63 tỉnh, thành trong cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tăng 28 bậc trên bậc xếp hạng. Nhìn lại 5 năm qua, Huế đã thực sự đổi thay không chỉ từ làng quê lên đến thành phố mà còn đổi thay trong cả tư duy, cách nghĩ của mỗi người.

Tuy nhiên, để sớm đưa Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như kết luận 48 của Bộ Chính trị, đội ngũ cán bộ Mặt trận còn phải phấn đấu không ngừng để làm sao tuyên truyền, khích lệ nhân dân sát cánh cùng Đảng và Chính quyền xây dựng Huế trở thành thành phố trung tâm của khu vực miền Trung, xứng đáng là một trung tâm văn hóa đặc sắc, trung tâm KHCN và môi trường, trung tâm y tế,  giáo dục đa ngành, đa nghề chất lượng cao…

Sự đổi thay này tập trung vào những phần việc cụ thể nào, thưa ông?

- Một trong những phần việc quan trọng hiện nay là xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị văn minh. Huế có 152 phường, xã thì có 92 xã xây dựng nông thôn mới (NTM). Hiện nay, bình quân 1 xã đạt 11,2 tiêu chí. 3 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí đó là Hưng Hòa. Hương Giang, 2/10 xã của huyện Nam Đông. Có thể nói, nhân dân ủng hộ hết mình cho các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận phát động bằng nhiều việc làm thiết thực. Thiết thực nhất là hơn 4.000 hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đã được quan tâm, sửa chữa nhà ở. Sự nghiệp giáo dục được quan tâm nhất là bậc mầm non. Nhà nước đã có sự hỗ trợ cho trên 3.000 giáo viên từ không biên chế thành có biên chế chính thức. 93 trường học đã được nâng cấp trên tổng số 192 trường cần phải được nâng cấp, trong đó Mặt trận hỗ trợ xây dựng 45 trường mẫu giáo.

Năm vừa rồi, MTTQ huyện Phong Điền còn vận động bà con di dời hàng nghìn ngôi mộ, trong đó có ngôi mộ rộng 500m2 để xây dựng NTM. Cùng với đó, việc xây dựng gia đình văn hóa, KDC văn hóa đã trở thành phong trào rộng lớn ở KDC cũng như xây dựng khu đô thị văn minh… Chính từ những CVĐ đó đã tạo được sự đồng thuận xã hội. Mỗi cán bộ Mặt trận cũng trưởng thành hơn.

Chủ trương hợp lòng dân, khó mấy cũng làm được

Được biết, ổn định cuộc sống trên bờ cho cư dân sống trên các đầm phá, sông Hương là một trong những chủ trương mà Mặt trận Thừa Thiên - Huế đã nỗ lực quyết tâm xông pha trong nhiều năm qua. Ông có thể cho biết, yếu tố nào đã biến một chủ trương thành hiện thực?

- Thừa Thiên - Huế là tỉnh có chiều dài 20km2 vùng biển, trong đó có 45 xã của 4 huyện là vùng đầm phá mênh mông, hoang vu và dữ dội. Cuộc sống của hàng ngàn người bấp bênh theo con nước. Nhưng với những nỗ lực đôi khi là phải vượt lên chính mình của mỗi cán bộ Mặt trận, hơn 3 năm qua, 2.656 hộ đã được đưa lên bờ, tái định cư cho 62 khu tái định cư cũng như 998 hộ bà con sông Hương. Tuy vẫn còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới, nhưng bây giờ người dân nơi đây đã có quê hương, bản quán. Những thế hệ con cháu của họ có quyền tự hào viết vào trang gia phả mới của dòng họ từ những ngày lên bờ an cư, lạc nghiệp.

Ông vừa nói đến sự vượt lên chính mình, có phải đó là những thời điểm người làm Mặt trận phải đối diện với nhiều khó khăn trong công tác vận động, tuyên truyền?

- Đúng vậy. Như việc vận động bà con lên bờ đâu có dễ, ban đầu khó khăn vô cùng, vì bà con vốn quen sống môi trường sông nước. Rồi có lúc, chúng tôi phải đối diện với chuyện bà con sống ở trên bờ không muốn sống chung cùng bà con vạn chài vì do tập quán sinh sống khác nhau, văn hóa cũng khác nhau. Nhưng nếu không quyết tâm đưa họ lên bờ thì mỗi mùa mưa bão đến tính mạng của họ chỉ như chiếc lá treo trên đầu con nước. Hàng chục năm qua đã có hàng ngàn người bị cướp đi tính mạng như thế. Từ thực tiễn đau thương ấy, cán bộ Mặt trận đã đến từng nhà, động viên từng người tuyên truyền, khích lệ để mọi người hiểu rằng, đất này là đất của Tổ quốc chứ không phải của riêng ai nên ai cũng phải có trách nhiệm đùm bọc, yêu thương nhau, cùng nhau nhường cơm sẻ áo ở trên mảnh đất quê hương mình. Bên cạnh đó, Mặt trận còn phát động hỗ trợ mỗi hộ lên bờ 15 triệu đồng. Bà con trên bờ quan tâm, sẻ chia giúp các hộ mới đến tìm kế sinh nhai như tham gia đánh bắt xa bờ, nuôi trồng thủy sản. Thành quả trên đã minh chứng rằng, một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân thì dù có khó khăn đến mấy cũng sẽ làm được.

52 lĩnh vực, 30 đối tượng cần giám sát

Theo ông, hiện nay nhân dân Thừa Thiên - Huế đang băn khoăn, lo lắng về những điều gì và cần Mặt trận thể hiện vai trò giám sát, phản biện như thế nào?

- Theo phản ảnh từ các khu dân cư, hiện nay người dân Huế đang có nhiều băn khoăn, lo lắng, nhưng hơn cả là sự phân hóa giàu nghèo khoảng cách ngày càng rộng, nhiều lao động thất nghiệp và sinh viên ra trường thiếu việc làm; nhiều vấn đề xã hội gây bức xúc như tham nhũng, lãng phí… Để tìm hiểu lòng dân, trong thời gian qua chúng tôi đã phát phiếu thăm dò tại các khu dân cư để xem địa phương đang có những việc gì, nội dung nào nhân dân cần Mặt trận giám sát, phản biện. Có hai vấn đề. Thứ nhất, là giám sát. Hiện có 52 lĩnh vực, 30 đối tượng cần giám sát. Nhưng tựu chung lại là giám sát các dự án kinh tế, giám sát đền bù giải tỏa mặt bằng đi kèm với đơn thư tố cáo, khiếu nại, và giám sát chế độ chính sách cho người có công. Về phản biện, chủ yếu phản biện về chính sách. Đặc biệt là đề án đưa Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trên cơ sở này, sau Đại hội MTTQ tỉnh, chúng tôi sẽ thống nhất nội dung giám sát trong năm 2014.

 

Nguồn Đại Đoàn Kết

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng