Gần nửa tháng qua, rất nhiều người quê ở tỉnh Bình Định, Phú Yên… đổ xô về các địa phương ven biển và đầm phá Tam Giang của tỉnh Thừa Thiên - Huế để săn lùng địa sâm (giun biển) bán cho thương lái Trung Quốc. Việc săn tìm địa sâm không những phá hoại cảnh quan môi trường sinh thái tự nhiên, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nuôi trồng thủy sản của bà con ngư dân...
Sau một thời gian dài bị săn bắt, địa sâm dọc tuyến bờ biển Phú Yên đến Bình Định đã cạn kiệt nên khi nghe tin báo ở vùng ven biển và phá Tam Giang của tỉnh Thừa Thiên - Huế có rất nhiều địa sâm, hàng chục người chuyên nghề săn tìm địa sâm quê ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, đã khăn gói ra Huế để tìm bắt loại hải sản có giá trị kinh tế này.
Sáng 24/6, chúng tôi có mặt ở thôn 4, xã Quảng Công (huyện Quảng Điền), tận mắt chứng kiến cảnh nhiều thợ săn đang thay phiên nhau làm địa sâm để phơi khô, sau hai giờ đào địa sâm ở bãi bồi trên phá Tam Giang, nằm gần khu vực này. Ông Đào Vinh Năm (48 tuổi, quê ở thôn Vinh Quang, xã Phước Sơn, Tuy Phước, Bình Định) là người có trên 20 năm kinh nghiệm săn tìm địa sâm cho biết: “Nhiều năm qua, anh em tui chuyên săn địa sâm ở quê, nhưng bắt mãi nên địa sâm ngày càng cạn kiệt. Tình cờ được một người bạn cho biết ở vùng phá Tam Giang có nhiều địa sâm nên nửa tháng trước, 16 người trong thôn tui đã kéo nhau ra đây để săn bắt địa sâm”.
Theo anh Lương Văn Cảnh (35 tuổi, quê ở Bình Định), việc săn tìm địa sâm hiệu quả nhất là vào đầu buổi sáng và tầm 16h buổi chiều, đó là khi thủy triều hạ xuống làm lộ những bãi bồi ở gần cửa phá và cửa biển. “Trên những bãi bồi này, chỉ cần thấy những lỗ nho nhỏ trên mặt cát thì người săn dùng cái thuổng chắn xuống để đào hố bắt địa sâm... Bình quân mỗi ngày, anh em tui đào được 1,5 đến 2 tạ địa sâm tươi. Cứ 15kg địa sâm tươi mới có thể chế biến thành 1kg địa sâm khô”, anh Cảnh tiết lộ.
Cánh thợ săn ở đây còn cho biết, ngoài địa sâm phơi khô kết hợp với các loại thuốc Bắc để làm thuốc cường dương, tăng cường sinh lực cho đàn ông, thì địa sâm tươi còn được sử dụng để chế biến thành các món ăn đặc sản. Vì thế mà địa sâm có giá trị kinh tế rất cao và luôn được các thương lái thu mua tại chỗ với mức giá 50.000 đồng/1kg địa sâm tươi và 700.000 đồng/1 kg địa sâm khô thành phẩm.
Để nhận được tiền “tươi”, sau một ngày săn lùng địa sâm trên các bãi bồi, đoàn thợ của ông Năm, anh Cảnh... sẽ cân bán địa sâm tươi ngay tại chỗ cho vợ chồng ông Đào Vinh Sáu (trú ở Bình Định). Ông Sáu cho hay: “Thị trường trong nước không hút hàng địa sâm cho lắm nên phần lớn địa sâm tươi và khô đều được cánh thương lái thu mua rồi bán lại cho các đầu nậu Trung Quốc để họ đưa về nước tiêu thụ. Buôn bán kiếm lời chút đỉnh chứ tui cũng không biết bên ấy họ dùng địa sâm để làm gì nữa” (?!).
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Nguyên Sỹ, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công, cho rằng: Mặc dù đã đến khai thác, săn bắt địa sâm ở vũng bãi bồi phá Tam Giang gần nửa tháng qua nhưng đoàn thợ săn tìm địa sâm đến từ tỉnh Bình Định chỉ mới báo cáo với địa phương để xin tạm trú. Hiện trên địa bàn xã Quảng Công có khoảng 120ha diện tích nuôi trồng thủy sản trên phá Tam Giang nên việc đào bới, săn bắt địa sâm đã khiến hàng trăm ngư dân lo lắng, nhất là những hộ dân có diện tích nuôi tôm cao triều ở gần khu vực có nhiều địa sâm...
Không những ở vùng phá Tam Giang qua địa bàn xã Quảng Công mà ở các xã như Phú Hải, Phú Diên (huyện Phú Vang); vùng biển Lăng Cô (huyện Phú Lộc)... cũng xuất hiện nhiều đoàn người ở các tỉnh khác đến đào bới, săn tìm địa sâm khiến nhiều bãi bồi ven biển, ven phá trở thành bãi chiến trường với vô số hố cát loang lỗ. Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận định, việc khai thác địa sâm ồ ạt, vô tội vạ như hiện nay ở các vùng ven phá Tam Giang sẽ dẫn đến nguy cơ tận diệt loài địa sâm. Do đó, đơn vị đang lập kế hoạch bảo vệ để đảm bảo bền vững hệ sinh thái và môi trường tự nhiên...
Nguồn CAND