Để khai thác tốt hơn nguồn lợi thủy, hải sản, thông qua Hội Nghề cá, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã từng bước mở rộng quyền khai thác mặt nước biển ven bờ cho ngư dân.
Theo ông Nguyễn Lương Hiền, Chủ tịch Hội Nghề cá Thừa Thiên-Huế, đây là mô hình đồng quản lý giữa nhà nước và cộng đồng ngư dân. Việc các địa phương ven biển giao quyền khai thác mặt nước biển ven bờ giúp ngư dân tránh đánh bắt bằng các phương tiện theo lối tận thu, hủy diệt; giảm bớt chi phí trong công tác quản lý.
Tương tự, trên vùng đầm phá, toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có 36 chi hội nghề cá được Ủy ban Nhân dân các huyện cấp 34 quyền khai thác thủy sản trong khu vực với diện tích hơn 14.500ha.
Ngoài ra, còn có 10 chi hội nghề cá cơ sở được giao quản lý 10 khu bảo tồn thủy sản quy mô nhỏ dựa vào cộng đồng, với 307,7ha. Hơn 70% diện tích đầm phá Tam Giang-Cầu Hai đã được cấp quyền khai thác cho các chi hội nghề cá. Đây là một dấu mốc quan trọng tiến tới hoàn tất việc cấp quyền khai thác mặt nước trên đầm phá, đồng thời phân cấp quản lý theo hướng chính là dựa vào cộng đồng trong thời gian tới.
Cộng đồng ngư dân trong vùng được giao chủ quyền mặt nước góp phần tăng cường các hoạt động bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, các địa phương trong vùng đã tổ chức và vận động cộng đồng tái tạo 5.000 con cá dìa giống và 7,5 vạn tôm sú giống vào các khu bảo vệ để làm giàu nguồn lợi thủy sản.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Lương Hiền, tồn tại lớn nhất ở hầu hết các chi hội trong tỉnh là mới chỉ chú trọng đến nâng cao sản lượng đánh bắt; chưa tìm ra phương án hoạt động kinh doanh, dịch vụ hợp lý trên biển để có thêm nguồn thu phục vụ cho hoạt động.
Trong những chuyến đi biển dài ngày, nếu có lực lượng tàu dịch vụ thu mua sản phẩm ngay trên biển thì việc đánh bắt hải sản của ngư dân sẽ gặp thuận lợi hơn. Tàu thuyền của ngư dân đánh bắt trên biển khi đó chủ động hơn trong việc đối phó do phía Trung Quốc lấn chiếm ngư trường, xua đuổi, lấy hết sản phẩm, ngư cụ của ngư dân...
Nguồn Vietnam+